
【HAVIP】Đăng ký nhãn hiệu tại Malaysia
Theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Malaysia, nhãn hiệu hàng hóa là một dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác.
I. PHẦN CHUNG
a. Nhãn hiệu hàng hóa là gì?
Theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Malaysia, nhãn hiệu hàng hóa là một dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác.
Các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa bao gồm từ ngữ, logo, hình ảnh, biểu tượng, nhãn hiệu hàng hóa, tên, chữ cái, chữ số hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó với điều kiện chúng có khả năng phân biệt, không gây nhầm lẫn hoặc lừa dối, không trái với pháp luật hoặc đạo đức, không tương tự hoặc trùng lặp với nhãn hiệu nổi tiếng.
b. Những dấu hiệu nào không thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia?
Những nhãn hiệu có chứa đựng các từ ngữ, hoặc từ ngữ có nghĩa tương tự hoặc cách thể hiện với ý nghĩa sau sẽ không được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa:
- “Bằng độc quyền” hoặc “đã được cấp bằng độc quyền”; “đăng ký” hoặc “đã được đăng ký”, “bản quyền”;
- Từ ngữ, hình ảnh tương tự, trùng lặp hoặc liên quan đến nhà vua, hoàng hậu, hoàng gia, quân đội hoàng gia, công an hoàng gia Malaysia;
- Từ ngữ hình ảnh tương tự hoặc liên quan đến vương miện hoàng gia, gia huy, huy hiệu, huy chương;
- Từ ngữ, hình ảnh liên quan đến các tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, hội Chữ thập Thụy Sĩ và Liên bang Thụy sĩ màu đỏ, màu trắng hoặc màu bạc trên nền đỏ;
- Từ ngữ hoặc hình ảnh liên quan đến tổ chức ASEAN và quốc kỳ của mỗi nước thành viên.
c. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở nào?
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở đăng ký. Đăng ký nhãn hiệu là bằng chứng đầu tiên chứng minh hiệu lực của nhãn hiệu, là cơ sở pháp lý để chuyển giao nhãn hiệu sau này. Chủ sở hữu nhãn hiệu được đăng ký có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng các biện pháp luật định chống lại hành vi vi phạm của bên thứ ba.
Nhãn hiệu hàng hóa có thể được sử dụng ở Malaysia mà không cần phải đăng ký, nhưng chủ sở hữu những nhãn hiệu không được đăng ký không có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi áp dụng các biện pháp luật định khi nhãn hiệu bị xâm phạm. Nhãn hiệu không được đăng ký có thể được bảo hộ theo luật chống mạo danh nhưng chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu của mình có uy tín trên thị trường và những thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra.
e. Tôi có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn vào Malaysia không?
Có. Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Malaysia với điều kiện đơn phải được nộp cho cùng một nhãn hiệu và trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên hoặc từ ngày hàng hóa mang nhãn hiệu được trưng bày ở một triển lãm quốc tế được chính thức tổ chức tại một trong những nước thành viên Công ước Paris.
f. Có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia theo Thỏa ước Madrid được không?
KHÔNG. Malaysia không phải là thành viên Thỏa ước Madrid, vì vậy nếu doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia thì phải nộp đăng ký cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia.
Tham khảo: Đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ
II. THỦ TỤC NỘP ĐƠN
a. Chủ thể nào có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia?
Bất kỳ chủ thể nào không phân biệt quốc tịch, nếu là chủ sở hữu của nhãn hiệu đã hay sẽ được họ sử dụng ở Malaysia đều có thể nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia.
b. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn trực tiếp với Cơ quan đăng ký nhãn hiệu Malaysia không?
KHÔNG. Theo luật Malaysia, tất cả đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài phải nộp thông qua Đại diện nhãn hiệu hàng hóa Malaysia. Đại diện này phải có trụ sở và hoạt động hợp pháp ở Malaysia. Tại thời điểm nộp đơn, Người nộp đơn phải chỉ định một Đại diện thay mặt mình nộp đơn ở Malaysia theo mẫu TM1.
c. Nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia như thế nào?
Người nộp đơn nước ngoài phải làm đơn bằng tiếng Anh theo mẫu TM-5 và làm thành 5 bản. Mỗi đơn chỉ được nộp cho một nhãn hiệu hàng hóa cho một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ. Như vậy, nếu bạn đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều nhóm sản phầm và/hoặc hoặc dịch vụ thì bạn phải làm thành nhiều đơn, mỗi đơn cho một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ.
Đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ được nộp cho Cơ quan đăng ký Nhãn hiệu Malaysia thuộc Bộ Nội Thương Và Các Vấn Đề Về Người Tiêu Dùng.
d. Người nộp đơn cần cung cấp những tài liệu và thông tin gì?
Những thông tin cần cung cấp:
- Nhãn hiệu xin đăng ký là loại nhãn hiệu gì, ví dụ, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu bảo vệ;
- Nhãn hiệu xin bảo hộ có giới hạn màu sắc hay không;
- Phân loại quốc tế của sản phẩm hoặc dịch vụ;
- Danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ xin đăng ký;
- Ngày và nơi nhãn hiệu được sử dụng lần đầu tiên;
- Ngày nhãn hiệu được sử dụng lần đầu tiên ở Malaysia (nếu có);
- Tên, địa chỉ, quốc tịch của Người nộp đơn (nếu người nộp đơn là cá nhân thì phải nêu rõ là cá nhân, nếu là công ty thì phải chỉ rõ loại hình công ty);
- Tên và địa chỉ đầy đủ của Đại diện Malaysia;
- Đơn có xin hưởng quyền ưu tiên hay không.
Những tài liệu cần nộp kèm theo đơn:
- 9 mẫu nhãn hiệu xin đăng ký;
- Bản dịch hoặc chuyển ký tự của nhãn hiệu nếu nhãn hiệu không phải là tiếng latinh, tiếng Anh, tiếng Malaysia hoặc tiếng Trung quốc;
- Bản sao đơn đầu tiên nếu đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris;
- Bản tuyên thệ bằng tiếng Anh có công chứng rằng người nộp đơn là chủ nhãn hiệu xin đăng ký (mẫu tuyên thệ do Đại diện cung cấp);
e. Lệ phí nộp đơn là bao nhiêu?
Lệ phí nộp đơn chính thức của cơ quan đăng ký Malaysia cho một đơn cho một nhãn hiệu là 250 RM (tiền Malaysia). Lệ phí trên chưa bao gồm phí đại diện và các chi phí khác phát sinh nếu nhãn hiệu bị khiếu nại.
Tham khảo: Đăng ký nhãn hiệu tại Singapore
III. XỬ LÝ ĐƠN
a. Đơn được xử lý như thế nào?
Đơn được xét nghiệm về hình thức (xem xét đơn có đầy đủ các thông tin và tài liệu yêu cầu hay không). Sau đó, Cơ quan đăng ký sẽ xét nghiệm nhãn hiệu có khả năng phân biệt hay không – đồng thời tra cứu xem nhãn hiệu đó có trùng lặp hay tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước hoặc nhãn hiệu theo một đơn khác có ngày nộp đơn sớm hơn hay không. Nếu đơn đáp ứng mọi yêu cầu theo luật định, cơ quan đăng ký sẽ ra thông báo chấp nhận đăng ký đơn. Thời hạn xét nghiệm kéo dài từ 12 – 18 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Những đơn được chấp nhận đăng ký sẽ được công bố trên công báo. Thời gian công bố đơn là từ 3 – 6 tháng.
Nếu không có chủ thể nào phản đối đơn, cơ quan đăng ký sẽ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thời gian đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Malaysia từ khi nộp đơn đến khi được đăng ký là từ 18 – 25 tháng.
b. Nếu đơn bị phản đối, thời hạn nộp phản đối đơn là bao lâu?
Phản đối đơn (nếu có ) phải được nộp cho cơ quan đăng ký trong vòng 2 tháng kể từ ngày công bố đơn. Đơn phản đối được làm theo mẫu TM-7, và lệ phí phản đói đơn là 450 RM (chưa bao gồm phí dịch vụ). Thời gian giải quyết vụ việc liên quan đến phản đối đơn có thể kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm.
c. Bạn có thể khiếu nại quyết định của cơ quan đăng ký không?
CÓ. Nếu không đồng ý với bất kỳ quyết định nào của co quan đăng ký, bạn có thể nộp đơn khiếu nại lên Tòa án tối cao Malaysia.
IV. THỜI HẠN HIỆU LỰC VÀ GIA HẠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
a. Thời hạn hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu ở Malaysia là bao lâu?
Nhãn hiệu được đăng ký có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn.
b. Khi nào phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu?
Đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu ở Malaysia phải được nộp trong vòng 3 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực của nhãn hiệu. Đơn xin gia hạn được làm theo mẫu TM-12 và nộp thông qua Đại diện Malaysia.
Đơn xin gia hạn hiệu lực có thể được nộp muộn sau ngày hết hạn hiệu lực của nhãn hiệu nhưng không muộn quá một tháng kể từ ngày hết hạn. Đơn nộp muộn được làm theo mẫu TM-13.
c. Hậu quả pháp lý của việc không gia hạn hiệu lực là gì?
Nếu nhãn hiệu đã đăng ký không được gia hạn trong khoảng 3 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực cho đến một tháng sau ngày hết hạn hiệu lực, thì nhãn hiệu sẽ bị mất hiệu lực ở Malaysia.
d. Nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy bỏ vì những lý do gì?
Tòa án có thể ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên cơ sở yêu cầu của bên thứ ba nếu có bằng chứng cho thấy, ví dụ:
- Nhãn hiệu đăng ký không được sử dụng trung thực;
- Nhãn hiệu không được sử dụng bởi chủ sở hữu hoặc người được cấp li-xăng trong thời hạn 3 năm liên tục;
- Nhãn hiệu được đăng ký do gian lận;
- Nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
e. Có thể chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không?
CÓ. Trong thời hạn hiệu lực của nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu cho người khác dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng li-xăng. Việc chuyển nhượng hoặc cấp li-xăng sử dụng nhãn hiệu đều phải được đăng ký với cơ quan đăng ký nhãn hiệu.
V. THỰC THI QUYỀN
a. Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu?
Bất kỳ người nào không được phép của chủ sở hữu mà sử dụng trong thương mại dấuhiệu trùng lặp, hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký đều bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu. Hành vi sử dụng nhãn hiệu bao gồm gắn nhãn hiệu lên hàng hóa, quảng cáo, lưu thông hàng hóa dịch vụ, nhập khẩu.
b. Hành vi vi phạm bị xử lý như thế nào?
Trong số những biện pháp thực thi như các nước áp dụng đối với hành vi xâm phạm, Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa Malaysia đặc biệt chú trọng đến biện pháp hải quan nhằm ngăn chặn hàng giả.
Link bài viết: https://havip.com.vn/dang-ky-nhan-hieu-tai-malaysia/
Để quý khách hàng có đầy đủ thông tin về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Malaysia, xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ Havip (HAVIP-IP)
Văn phòng giao dịch: Phòng 2002 tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Số điện thoại: (024) 35525 035 / (024) 35525 036
Số hotline: 0912.418.948
Email: info@havip.com.vn
Website: https://havip.com.vn
Công ty TNHH Sở hữu Trí tuệ Havip được thành lập ngày 27/7/2005 và đã được ghi nhận là Tổ chức Đại diện Sở hữu Trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và đại diện quyền đối với giống cây trồng tại Cục trồng trọt Việt Nam.