Theo Điều 2(viii) của Công ước WIPO (Công ước Stockholm) ngày 14 tháng 7 năm 1967 về thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, sở hữu trí tuệ (intellectual property) được định nghĩa là các quyền liên quan tới:
- Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
- Buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, bản ghi âm (thu âm), chương trình phát thanh, truyền hình.
- Sáng chế thuộc mọi lĩnh vực với sự nỗ lực sáng tạo của con người, xem thêm bằng sáng chế.
- Kiểu dáng công nghiệp.
- Nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại và chỉ dẫn thương mại, thương hiệu, biểu trưng.
- Quyền bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Và tất cả các quyền khác liên quan đến hoạt động trí tuệ của con người trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật.
1. Intellectual Property là gì?
Sở hữu trí tuệ (tiếng Anh: Intellectual property), hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v…Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên. Trong số các quyền này có 2 quyền thường được nhắc đến là quyền tài sản và quyền nhân thân.
2. Tại sao ngày nay vấn đề quyền sở hữu trí tuệ lại được quan tâm mạnh mẽ đến vậy?
Đó là do sự thay đổi trong cơ cấu các yếu tố tạo nên giá trị hàng hoá. Ở thời kỳ sản xuất nông nghiệp, phần lớn giá trị của nông sản là do lao động cơ bắp của người nông dân bỏ ra. Đến thời đại công nghiệp, máy móc đã dần dần thay thế lao động cơ bắp trong tỷ lệ giá trị hàng hoá. Ngày nay, khi mà nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn lên, trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Một container máy điện thoại di động có giá trị lớn hơn một container xe máy, và càng lớn hơn giá trị của một container sắn lát. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được người ta chú trọng bảo vệ.
a. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là các loại hình sáng tạo khác nhau mà con người nghĩ ra. Các đối tượng này cùng với chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ là mục tiêu bảo hộ của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế khác.
Người ta đã nhóm các loại hình sáng tạo của con người thành một số loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ sau đây:
- Bản quyền
- Bằng sáng chế
- Thương hiệu
- Kiểu dáng công nghiệp
- Sơ đồ bố trí mạch tích hợp
- Chỉ dẫn địa lý
Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp. Tại Việt Nam, các vấn đề về bản quyền do Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa – Thông tin) xem xét giải quyết. Các quyền còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tham khảo: Tuyên bố quyền sở hữu và quyền tác giả
b. Sự phân biệt giữa bản quyền và các quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Bản quyền còn được gọi là quyền tác giả. Ðây là quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Ngoài việc có thể đem lại giá trị kinh tế cho tác giả giống như ở các quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền còn đảm bảo quyền nhân thân của tác giả hay nói cách khác là đảm bảo uy tín, danh dự của tác giả gắn với tác phẩm của mình.
Trong thực tế, bản quyền có sự thể hiện khá phong phú nên các dạng vi phạm bản quyền cũng khá đa dạng. Một số ví dụ:
- Một bài báo sao chép lại bài báo khác.
- Nhà xuất bản in, tái bản sách mà chưa có sự đồng ý của tác giả.
- Ca sĩ biểu diễn, ghi âm, thu hình bài hát mà không có sự thỏa thuận của nhạc sĩ sáng tác.
- Bộ phim bị thu trộm và nhân bản trên băng video hoặc đĩa VCD để bán.
- Chương trình máy tính bị bẻ khóa.
c. Bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Từ góc độ vật chất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ tác phẩm điện ảnh được bảo hộ 50 năm, thiết kế bố trí mạch tích hợp có thời hạn bảo hộ là 10 năm.
Hết thời hạn này, các sáng tạo trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi người có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người sáng tạo.
Tham khảo: Cục bản quyền tác giả Việt Nam
– Tại sao Hiệp định TRIPS đã công nhận sự bảo hộ đối với các quyền sở hữu trí tuệ mà lại còn buộc người có bằng sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế đó cho công chúng?
Trong khi bảo hộ bằng sáng chế để tạo điều kiện cho người sáng chế có thể bù đắp chi phí nghiên cứu, Hiệp định TRIPS cũng chú trọng đến lợi ích của toàn xã hội bằng việc yêu cầu người sáng chế phải cung cấp thông tin về sáng chế để những người khác có thể nghiên cứu, phát triển sâu hơn nữa và tránh lãng phí nguồn lực, thời gian, kinh phí vào những vấn đề đã được sáng chế. Trong thời gian bảo hộ sáng chế, những người khác chỉ được sử dụng thông tin về sáng chế để nghiên cứu chứ không phải để kinh doanh, trừ phi đã được người sở hữu bằng sáng chế cho phép.
– Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đem lại lợi ích gì cho các nước đang phát triển?
Có hai lợi ích chính:
– Ngăn chặn được sự sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái đều là những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho nhà sản xuất chân chính cả về doanh thu và uy tín. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường, đảm bảo quyền lợi của cả nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
– Khuyến khích sáng tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà phát minh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thường nản lòng khi không có chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh ở nước sở tại, họ không có động lực để sáng tạo và cũng không muốn đem công nghệ mới hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ ở nước sở tại vì sợ bị mất bí mật công nghệ.
– Vậy còn mặt trái là gì?
Phần lớn số lượng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hiện nay do các nước phát triển nắm giữ. Ðiều này tạo nên lợi thế rất lớn cho sản phẩm của các nước này so với các nước đang phát triển. Trong một số lĩnh vực, ví dụ dược phẩm, sự độc quyền khai thác bằng sáng chế đã đẩy giá sản phẩm lên rất cao, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho hãng sản xuất. Các nước đang phát triển, vốn đã không có công nghệ, lại phải chịu mua các sản phẩm với giá cao này nên thiệt thòi càng lớn.
Một ví dụ khác là phần mềm máy tính. Giá một chương trình phần mềm thường từ vài trăm đến hàng ngàn đô-la Mỹ, vượt gấp nhiều lần giá của chiếc máy tính. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bản quyền phần mềm thì rất có thể nhiều nước đang phát triển không có được trình độ công nghệ thông tin hiện nay.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta khuyến khích việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà điều chính yếu là chúng ta cần phối hợp với các nước đang phát triển khác đấu tranh cho một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công bằng và hợp lý hơn.
Tham khảo: Mối quan hệ giữa quyền tác giả và quyền liên quan
3. Thời hạn bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS là bao nhiêu lâu?
Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ tối thiểu, nghĩa là các nước có thể đặt ra thời hạn bảo hộ bằng hoặc dài hơn thời hạn nêu trong Hiệp định TRIPS.
Thời hạn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định TRIPS là:
- Bằng sáng chế: 20 năm;
- Bản quyền (đối với các tác phẩm không phải là tranh, điện ảnh): 50 năm hoặc suốt đời tác giả cộng thêm 50 năm;
- Bản quyền điện ảnh: 50 năm;
- Bản quyền tranh: 25 năm;
- Thương hiệu: 7 năm;
- Kiểu dáng công nghệ : 10 năm;
- Sơ đồ bố trí mạch tích hợp: 10 năm.
a. Chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ là gì?
Chỉ dẫn địa lý là tên gọi những sản phẩm gắn liền với nguồn gốc địa lý của sản phẩm đó, và chính nguồn gốc địa lý này là yếu tố cơ bản nói lên uy tín, chất lượng của sản phẩm đó.
Tên gọi xuất xứ là một dạng của chỉ dẫn địa lý dành để chỉ các sản phẩm mà chất lượng gắn liền với môi trường xuất xứ của sản phẩm.
Tại Việt Nam, “nước mắm Phú Quốc” đã được công nhận là một chỉ dẫn địa lý. Như vậy, một loại nước mắm khác sản xuất tại Thái Lan hay Trung Quốc dù có thành phần, độ mặn, độ ngon tương tự cũng không được phép đưa tên gọi “nước mắm Phú Quốc” lên nhãn hiệu của mình. Ở đây, “Phú Quốc” đã không còn giới hạn ở một thương hiệu cụ thể mà trở thành tên gọi đại diện cho loại nước mắm của tất cả các hộ sản xuất trên hòn đảo này.
Chỉ dẫn địa lý thường liên quan đến các sản phẩm chế biến từ thiên nhiên như nông sản, hải sản, nhưng cũng có thể liên quan đến các sản phẩm do con người tạo ra.
“Đồng hồ Thuỵ Sỹ” là một ví dụ.
b. Phát minh và sáng chế khác nhau như thế nào?
Phát minh là từ để chỉ việc tìm ra những sự vật, hiện tượng, quy luật có sẵn trong tự nhiên nhưng trước đó con người chưa biết tới. Còn sáng chế là sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người, trước đây và sau này không hề có trong tự nhiên.
Ví dụ: M. Faraday là người đã phát minh ra hiện tượng cảm ứng điện từ, còn T. Edisson lại là người sáng chế ra bóng đèn, máy ghi âm; I. Newton đã phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, còn E. Rubik đã sáng chế ra khối vuông 6 mặt kỳ ảo mang tên ông.
Phát minh và sáng chế đều thể hiện những bước tiến của trí tuệ con người.
Phát minh thường là những môn khoa học cơ bản, mang tính lý thuyết, được ghi nhận công lao của người tìm ra, nhưng không phải là đối tượng được bảo hộ như sáng chế.
Nếu bạn vẫn còn chút lúng túng trong việc phân biệt hai khái niệm này, xin hãy nhớ: cái gì được con người “tìm ra” thì là phát minh, còn cái gì được con người “nghĩ ra” hoặc “làm ra” thì là sáng chế.
Tham khảo: Các bước đăng ký sáng chế
– Sản phẩm sáng tạo như thế nào thì được coi là sáng chế?
Một sáng chế phải đảm bảo đủ các tính chất chính sau đây:
- Mới về nội dung;
- Có tính sáng tạo so với các giải pháp đã có;
- Có khả năng áp dụng đại trà trên quy mô công nghiệp.
– Pa-tăng và li-xăng có phải là một hay không?
Không. Pa-tăng là bằng sáng chế. Còn li-xăng là giấy phép sử dụng sáng chế.
Khi đăng ký một sáng chế mới, nhà sáng chế được cấp bằng sáng chế để chứng tỏ quyền sở hữu của mình. Sau đó, nhà sáng chế có thể tự mình khai thác sáng chế bằng cách tổ chức sản xuất ở quy mô công nghiệp. Nhưng nếu nhà sáng chế không có khả năng làm việc này, họ có thể cấp giấy phép cho phép các nhà sản xuất khác sử dụng sáng chế của mình. Tất nhiên, để đổi lại, nhà sản xuất phải trả cho nhà sáng chế một khoản chi phí nhất định.
Tuỳ theo thỏa thuận giữa nhà sáng chế và nhà sản xuất, giấy phép sử dụng sáng chế cóthể được cấp cho nhiều người hoặc duy nhất một người, trong toàn bộ thời gian sáng chế được bảo hộ hoặc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
– Nếu nhà sáng chế không tự sản xuất mà cũng không chịu cấp giấy phép sử dụng sáng chế thì sao?
Trong trường hợp này, nếu thấy cần được đem ra áp dụng vì lợi ích chung của cộng đồng thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể can thiệp bằng cách tự đứng ra cấp giấy phép sử dụng sáng chế và yêu cầu nhà sản xuất được cấp giấy phép phải trả cho nhà sáng chế một khoản thù lao hợp lý. Ðây được gọi là giấy phép bắt buộc.
Hiệp định TRIPS có quy định về những điều kiện để có thể cấp giấy phép bắt buộc.
– Trách nhiệm chứng minh khi xảy ra tranh chấp bằng sáng chế thuộc về bên nào?
Nếu bằng sáng chế được cấp cho quy trình sản xuất và có tranh chấp về quy trình đó thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bị đơn. Nghĩa là người bị cáo buộc là vi phạm bằng sáng chế sẽ phải chứng minh là quy trình sản xuất của mình khác với quy trình đã được cấp bằng sáng chế.
Link bài viết: https://havip.com.vn/intellectual-property-la-gi/
Link bài viết: https://havip.com.vn/