Lựa chọn hoặc thiết kế một nhãn hiệu phù hợp là một khâu quan trọng bởi vì đây là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp bạn. Vậy thế nào là một nhãn hiệu phù hợp cho (các) sản phẩm của bạn? Không có các quy tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên nên tham khảo danh mục 5 điểm cần kiểm tra dưới đây:
– Kiểm tra nhãn hiệu mà bạn lựa chọn có đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý về đăng ký không;
– Tiến hành tra cứu nhãn hiệu để đảm bảo rằng nó không giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ;
– Đảm bảo rằng nhãn hiệu đó dễ đọc, viết, đánh vần và ghi nhớ và phù hợp với tất cả các loại phương tiện quảng cáo;
– Đảm bảo rằng nhãn hiệu đó không có bất kỳ một ẩn ý không mong muốn nào trong ngôn ngữ của bạn hoặc trong bất kỳ ngôn ngữ của thị trường xuất khẩu tiềm năng nào;
– Kiểm tra liệu tên miền tương ứng (ví dụ như địa chỉ Internet) đã được đăng ký chưa.
Khi lựa chọn một hoặc nhiều từ làm nhãn hiệu, bạn cũng nên cân nhắc hàm ý của việc lựa chọn các loại từ nhất định:
– Từ tự tạo hay “tưởng tượng”: đây là những từ được sáng tạo ra mà không có bất kỳ một ý nghĩa nào bên trong hoặc ý nghĩa thực sự nào. Các từ tự tạo có lợi thể để được bảo hộ bởi vì bản chất của chúng được coi là phân biệt. Tuy nhiên, xét về mặt trái, các từ này có thể khó nhớ đối với người tiêu dùng, đòi hỏi nhiều công sức để quảng cáo sản phẩm.
Tham khảo: Cách mô tả nhãn hiệu hàng hóa
Ví dụ:“HAVIP và hình” là một nhãn hiệu đã đăng ký của Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ HAVIP.
– Nhãn hiệu tùy hứng: đây là các nhãn hiệu có một ý nghĩa không liên quan đến sản phẩm được quảng cáo. Trong khi những loại nhãn hiệu này cũng dễ được bảo hộ, nó có thể cũng cần được quảng cáo mạnh mẽ để tạo ra một sự liên hệ giữa nhãn hiệu này với sản phẩm đó trong tâm trí người tiêu dùng.
Tham khảo: Lợi ích và ý nghĩa khi đăng ký nhãn hiệu
Ví dụ: nhãn hiệu ELEPHANT (con voi) cho sản phẩm điện thoại di động.
– Nhãn hiệu gợi tả: đây là những nhãn hiệu gợi tả về một hoặc một số thuộc tính của sản phẩm. Sự hấp dẫn của nhãn hiệu gợi tả là ở chỗ chúng là một hình thức quảng cáo. Tuy nhiên, có một rủi ro nhỏ đó là một số quốc gia cho rằng nhãn hiệu gợi tả quá thiên về tính mô tả sản phẩm.
Ví dụ: nhãn hiệu “SUNNY” (trời nắng) cho sản phẩm lò sưởi điện sẽ gợi tả rằng sản phẩm sẽ tỏa nhiệt và giữ ấm cho ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, một số cơ quan đăng ký nhãn hiệu có thể cho rằng nhãn hiệu đó quá thiên về mô tả và vì thế không thể bảo hộ nó.
Không phụ thuộc vào loại nhãn hiệu mà bạn lựa chọn, điều quan trọng là tránh bắt chước các nhãn hiệu đang được bảo hộ. Một nhãn hiệu sửa đổi một chút nhãn hiệu của đối thủ hoặc nhái nhãn hiệu nổi tiếng thì rất ít có khả năng được bảo hộ.
Ví dụ: EASY WEAR là một nhãn hiệu cho quần áo thiếu niên. Thật không khôn ngoan chút nào khi cố gắng bán các sản phẩm giống hoặc tương tự sử dụng nhãn hiệu EEZY WARE bởi vì nó có khả năng bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ và rất ít có khả năng được bảo hộ.