Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại phần góp vốn, vốn góp của mình cho một cổ đông khác trừ một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoảng 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014 nhưng không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ.
1. Cổ phần là gì?
Cổ phần (tiếng Anh là Share) là phần vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tùy theo loại cổ phần họ sở hữu mà có thể có tên gọi khác nhau.
2. Các loại cổ phần trong công ty cổ phần
Theo Điều 113 của Luật Doanh Nghiệp 2014, “công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
- Cổ phần ưu đãi cổ tức;
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
- Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông”.
Tham khảo: Thủ tục đăng ký kinh doanh
a. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là gì?
Theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 116 của Luật Doanh Nghiệp quy định cổ phần ưu đã là cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quyết định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Theo Điều 116 của Luật Doanh Nghiệp 2014, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền và lợi ích sau:
- Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn này, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
- Cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền sau: biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết đã được Điều lệ công ty quy định; đồng thời được hưởng các quyền khác như cổ đông phổ thông ngoại trừ việc chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết đó cho người khác.
b. Cổ phần ưu đãi cổ tức là gì?
Theo Điều 117 Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
Theo Điều 117 của Luật Doanh Nghiệp 2014, Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau đây:
- Nhận cổ tức với mức ưu đãi cao hơn; nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, nhận cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
- hưởng các quyền khác như cổ đông phổ thông trừ quyền biểu quyét, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
c. Cổ phần ưu đãi hoàn lại là gì?
Theo Điều 118 của Luật Doanh Nghiệp 2014, cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Tại khoản 2 Điều 118 của Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền sau:
- Được yêu cầu công ty hoàn lại vốn; các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
d. Cổ phần phổ thông là gì?
Theo Điều 79 và 80 Luật doanh nghiệp 2005 quy định cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có của công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Là người chủ sở hữu của công ty cổ phần nên họ có quyền quyết định những vấn đề rất quan trọng liên quan đến công ty cổ phần. Bên cạnh đó pháp luật còn quy định một số hạn chế về quyền của các cổ đông sáng lập đối với loại cổ phần phổ thông mà họ sở hữu trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 84 Luật doanh nghiệp 2005).
Theo Điều 114 của Luật Doanh Nghiệp 2014, cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông có các quyền và lợi ích sau:
- Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
- Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
- Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
- Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;
- Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
- Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;
3. Vốn cổ phần là gì?
Vốn cổ phần (tiếng Anh là: Share Capital) là số tiền được sử dụng trong một công ty do cổ đông của nó đóng góp dưới hình thức cổ phần thông thường (vốn sở hữu) và cổ phần ưu đãi. Nó là nguồn vốn kinh doanh lâu dài khi công ty còn tồn tại.
Trước khi một công ty có thể tăng vốn cổ phần, nó phải được phép thực hiện việc bán cổ phiếu. Công ty phải xác định tổng số vốn chủ sở hữu mà nó muốn tăng và giá trị cơ bản của mỗi cổ phần, được gọi là mệnh giá. Tổng mệnh giá của tất cả các cổ phần mà một công ty được phép bán được gọi là vốn cổ phần được phép phát hành.
Nếu một công ty được phát hành để gọi vốn 5 triệu đô la và cổ phiếu của công ty có mệnh giá là 1 đô la thì công ty có thể phát hành và bán tối đa 5 triệu cổ phiếu.
4. Mua lại cổ phần là gì?
Mua lại cổ phần (tiếng Anh là: Share repurchase) là một trong những biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát công ty và tăng giá cổ phần đã được bậc thầy đầu tư cổ phiếu Warren Buffett đề cập đến nhiều lần, được đưa vào các giáo trình tài chính doanh nghiệp và đưa vào điều lệ của tất cả các công ty cổ phần.
a. Tác dụng của việc mua lại cổ phần
Tác dụng đầu tiên có thể thấy là làm gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đó. Công ty chỉ mua lại cổ phần khi kết quả kinh doanh tốt và dư giả tiền mặt. Việc mua lại cổ phần sẽ giới hạn số cổ đông được chia cổ tức, làm cho số cổ tức được chia tăng lên, tức lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cũng tăng lên.
Nhìn từ góc độ kỹ thuật, việc mua lại sẽ giúp cải thiện một số chỉ số tài chính cơ bản của công ty. Mua lại sẽ làm giảm lượng tiền mặt, trong khi đó tiền mặt cũng chính là một tài sản, điều này dẫn đến suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) tăng lên đáng kể.
Nếu cùng lúc nhiều công ty niêm yết mua lại cổ phiếu sẽ làm giảm đáng kể khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, từ đó giảm áp lực pha loãng cổ phiếu do các đợt phát hành cổ phiếu ồ ạt gây ra. Điều này có thể góp phần hữu hiệu giảm bớt nguồn cung chứng khoán trên thị trường nói chung, làm giá cổ phiếu có xu hướng tăng lên.
Do các tác động trên, thực tế còn nảy sinh cả tác động tốt về mặt tâm lý với nhà đầu tư khi có tin về việc mua lại cổ phần. Diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8/2008 đã chứng minh điều đó.
b. Mua lại cổ phần theo quyết định của Công ty
Thông thường, một công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần loại khác đã bán theo quy định sau đây:
- Hội đồng quản trị nếu có quyết định mua lại cổ phần thường sẽ quyết định giá và các điều lệ sẽ không cho phép mua lại quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong mỗi 12 tháng. Trong nhiều trường hợp khác, việc mua lại cổ phần sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Đối với các công ty niêm yết, việc này còn phải công bố rộng rãi trước công chúng.
- Hội đồng quản trị bao giờ cũng quyết định giá mua lại đối với các cổ phần phổ thông và giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp có các thỏa thuận đặc biệt qua các giao dịch thỏa thuận. Đối với loại cổ phần khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường.
- Công ty cũng có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông; tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty đó. Quyết định mua lại cổ phần của công ty thường phải được thông báo bằng phương thức đảm bảo đến được tất cả các cổ đông kể từ ngày quyết định đó được thông qua.
Thông báo này phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại, hoặc nguyên tắcđịnh giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.
Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần, theo quy định thường thấy phải gửi bản chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Chào bán phải có họ tên, địa chỉ thường trú, số giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.
Tham khảo: Thủ tục thành lập công ty cổ phần
5. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập
Điểm mới trong thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập và cổ đông thường của các công ty cổ phần là không phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Cục thể điểm mới đó áp dụng trong thực tế như thế nào? Công ty cổ phần khi có hoạt động chuyển nhượng cổ phần cần làm những việc gì hãy tham khảo chia sẻ của HAVIP LAW dưới đây.
a. Thế nào được coi là cổ đông sáng lập
Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần”. Đây là một điểm đáng lưu ý. Bởi lẽ với quy định này thì cổ đông sáng lập chỉ bao gồm các cổ đông tham gia góp cổ phần khi thành lập công ty, các cổ đông nhận chuyển nhượng của cổ đông sáng lập không được coi là cổ đông sáng lập dù việc nhận chuyển nhượng được thực hiện trong 03 năm đầu tiên.
Khi cổ đông sáng lập của công ty cổ phần có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần của mình cần lưu ý các nội dung sau:
b. Quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần
Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Mặt khác, Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập đối với những công ty mới hoạt động như sau: “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.
Tổng hợp lại quy định của Luật Doanh nghiệp, ta có thể thấy:
– Thứ nhất, trong 03 năm đầu tiên hoạt động (kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), các cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần cho nhau; và nếu có nhu cầu chuyển nhượng cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu được Đại Hội đồng cổ đông đồng ý.
– Thứ hai, sau thời hạn 3 năm đầu (như đã nêu trên), các cổ đông sáng lập của công ty được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cả người không phải là cổ đông công ty.
Căn cứ theo quy định tại nghị định 108/2018/NĐ-CP điều chỉnh thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp đã quy định việc thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần chỉ phải thông báo đến phòng ĐKKD (Tức là phải thay đổi GCN đăng ký doanh nghiệp) khi thuộc 2 trường hợp: Một là chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài; Hai là thay đổi cổ đông sáng lập do không góp đủ vốn.
Như vậy năm 2019 các công ty cổ phần khi thay đổi cổ đông không thuộc 2 trường hợp Luật sư đã nêu sẽ không phải thay đổi đăng ký doanh nghiệp nữa.
Sau đây HAVIP LAW sẽ hướng dẫn bạn đọc trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành.
c. Hồ sơ đăng ký chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập
Hồ sơ thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần bao gồm:
– Biên bản họp Đại Hội đồng cổ đông công ty;
– Quyết định của Đại Hội đồng cổ đông công ty về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
– Danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi (Theo mẫu);
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
– Bản sao chứng thực cá nhân của người nhận chuyển nhượng (Nếu người nhận chuyển nhượng không phải là cổ đông sáng lập của công ty);
– Bản sao chứng thực cá nhân của người được ủy quyền (Nếu có);
Sau khi hồ sơ đã được ký thì việc chuyển nhượng cổ phần được hoàn thành theo thời gian ghi nhận trên biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, khác với trước đây việc chuyển nhượng cổ phần chỉ hoàn thành khi được Phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận thông tin cổ đông sáng lập mới.
Bước tiếp theo là thực hiện nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận cổ phần cho cổ đông mới đồng thời thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tất cả các nội dung chúng tôi nêu trên được áp dụng cho cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông, riêng với cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần ưu đãi cổ tức pháp luật có quy định khác. Cụ thể:
– Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức: cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng;
– Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 và Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
“3. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông”
“3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.”
Từ quy định trên, cổ đông sáng lập không thể chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho bất kỳ ai trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn 03 năm khi cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, khi đó việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sẽ thực hiện như chúng tôi đã phân tích ở mục 1 và mục 2 nêu trên.
6. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
Theo luật doanh nghiệp mới nhất quy định về việc thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cần phải thông báo với phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Các bước chuyển nhượng cổ phần được thực hiện như sau:
a. Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần bao gồm nhưng gì?
Doanh nghiệp soạn hồ sơ chuyển nhượng cổ phần bao gồm những thành phần sau:
- Thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định của đại hội đồng cổ đông;
- Danh sách cổ đông sáng lập sau thay đổi;
- Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;
+ Trong 03 năm đầu kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác hoặc được phép chuyển nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập nếu có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông. Số cổ phần của cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không được phép biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông.
+ Ví dụ công ty cổ phần mới thành lập được 2 năm có 4 cổ đông: Cổ đông A sở hữu 10% cổ phần, Cổ đông B sở hữu 20% cổ phần, Cổ đông C sở hữu 30% cổ phần, Cổ đông D sở hữu 40% cổ phần. Khi đó cổ đông A muốn chuyển nhượng 10% cổ phần cho cổ đông D thì thực hiện bình thường. Nhưng cổ đông A muốn chuyển nhượng 10% cổ phần cho cổ đông E mới thì phải có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông bao gồm cả 4 cổ đông A,B,C,D. Trong trường hợp này thì 10% cổ phần của cổ đông A không có quyền biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông.
- Thông báo lập sổ đăng ký cổ đông;
- Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần;
- Giấy CN ĐKKD/Giấy CN ĐKDN đối với tổ chức nhận chuyển nhượng (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;
- Hợp đồng chuyển nhượng, Biên bản thanh lý hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất;
- Quyết định góp vốn của tổ chức nhận chuyển nhượng;
- Giấy uỷ quyền hoặc giấy giới thiệu cho người nộp hồ sơ.
- Chứng minh thư hoặc hộ chiếu công chứng của người nộp hồ sơ.
b. Nộp hồ sơ chuyển nhượng cổ phần tại phòng đăng ký kinh doanh sở kế hoạch đầu tư sở tại
Sau khi hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại sở kế hoạch và đầu tư. Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh phải cấp giấy xác nhận thay đổi hoặc thông báo rõ nội dung hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Doanh nghiệp phải nộp thông báo thay đổi tới sở kế hoạch đầu tư trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc chuyển nhượng.
7. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty TNHH
Theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn được phép chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác của công ty. Trường hợp muốn chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là thành viên công ty thì phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán thì thành viên được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán cho người không phải là thành viên.
Và trong mọi trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp đều phải làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh với sở kế hoạch đầu tư
Đây là điểm khác biệt với công ty cổ phần. Tại công ty cổ phần, khi cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần mới phải làm thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh với sở kế hoạch đầu tư. Và quy định hạn chế chuyển nhượng cho người không phải cổ đông công ty chỉ áp dụng với cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu kể từ khi thành lập. Cổ đông phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần mà không phải thông báo với sở kế hoạch đầu tư.
a. Thủ tục thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
- Biên bản họp hội đồng thành viên.
- Quyết định của hội đồng thành viên
- Thông báo lập sổ thành viên;
- Danh sách thành viên
- Giấy đề nghị công bố
- Hợp đồng chuyển nhượng, biên bản thanh lý
- Bản công chứng chứng minh thư hoặc hộ chiếu còn thời hạn của cá nhân nhận chuyển nhượng
- Giấy CN ĐKKD/Giấy CN ĐKDN đối với tổ chức nhận chuyển nhượng (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức
- Quyết định góp vốn đối với của tổ chức nhận chuyển nhượng
- Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ.
- Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu công chứng của người nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
b. Công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp
Sau khi Công ty có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố thông tin tại sở kế hoạch đầu tư.
Công bố thông tin là thủ tục bắt buôc khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là: buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
c. Các kếu quả nhận được
Kết quả nhận được:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
- Giấy biên nhận công bố và biên lai công bố thông tin
- Hồ sơ nội bộ để lưu ở văn phòng
8. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông
Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho một cổ đông khác:
- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác;
- Chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Nếu cổ đông sáng lập còn lại không đồng ý việc chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài thì cổ đông dự định chuyển nhượng có quyền yêu cầu các cổ đông còn lại hoặc công ty mua lại số cổ phần dự định chuyển nhượng đó.
- Cổ phần ưu đã biểu quyết không được phép chuyển nhượng;
- Cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông sáng lập của công ty không được coi là cổ đông sáng lập.
a. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần công ty cổ phần năm 2019
Theo quy định tại nghị định 108/2018/NĐ-CP thì “Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua” do đó không cần đăng ký thay đổi thông tin cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần.
Do đó, theo quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP, các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần cần các thủ tục sau:
- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;
- Quyết định Đại hội đồng cổ đông;
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
- Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhan và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan quản lý thuế Doanh nghiệp (chi Cục thuế hoặc Cục thuế).
b. Thuế chuyển nhượng cổ phần
Đối với việc chuyển nhượng cổ phần, người chuyển nhượng phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp | = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần | x Thuế suất 0,1% |
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
- Trường hợp cá nhân chuyển nhượng tự nộp hồ sơ: trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hơp đồng chuyển nhượng
- Trường hợp kê khai thông qua doanh nghiệp: thực hiện trước khi có GCN ĐKDN mới.
Hồ sơ kê khai thuế:
- Tờ khai thuế:
- Trường hợp cá nhân tự kê khai: tờ khai thuế TNCN chuyển nhượng mẫu 04/CNV-TNCN;
- Trường hợp kê khai thông qua doanh nghiệp: tờ khai thuế TNCN chuyển nhượng mẫu 06/CNV-TNCN;
- Hợp đồng chuyển nhượng; biên bản thanh lý;
- Ngoài ra tùy từng cơ quan thuế có thể yêu cầu; Giấy xác nhận chuyển nhượng, phiếu nộp tiền; Giấy ủy quyền.
9. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài
Công ty Việt Nam muốn chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài ( được hiểu là người không mang quốc tịch Việt Nam) thì cần căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết để xem với ngành nghề đó có cho người nước ngoài chuyển nhượng vốn trong công ty Việt Nam không và cho phép người nước ngoài được sở hữu tỷ lệ vốn tối đa bao nhiêu %. Sau đây HAVIP LAW xin cung cấp các quy định chung của pháp luật về chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài để Qúy khách hàng nắm rõ.
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty Việt Nam hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của Công ty Việt Nam trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong Công ty Việt Nam.
Những trường hợp khác, Công ty Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hình thức góp vốn vào Công ty Việt Nam
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào Công ty Việt Nam khác không thuộc 02 trường hợp trên.
Hình thức mua cổ phần, phần vốn góp của Công ty Việt Nam
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên Công ty Việt Nam khác không thuộc 03 trường hợp trên.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người nước ngoài;
Thủ tục chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài:
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam
Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam tại Phòng đăng ký đầu tư- Sở kế hoach và Đầu tư
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người nước ngoài;
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục.
Trường hợp hồ sơ đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 2: Sau khi có văn bản thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nếu công ty chưa tách Giấy chứng nhận đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục tách và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân mới tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 3: Sau khi tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp phép đầu tư.
Bước 4: Xin giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề thực hiện quyền xuất nhập khẩu và phân phối.
Lưu ý: Về việc thanh toán chuyển nhượng phần vốn góp đối với người nước ngoài
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư số 19/2014/TT-NHNN thì:
- Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp này phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp này.
- Trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (chỉ hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) thì mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước.
Link bài viết: https://havip.com.vn/thu-tuc-chuyen-nhuong-co-phan/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/