GIỚI THIỆU

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện qua hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố này, có thể cảm nhận bằng thị giác trong quá trình sử dụng sản phẩm. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp giúp doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu đối với thiết kế độc đáo, nâng cao khả năng nhận diện trên thị trường, đồng thời ngăn chặn hành vi sao chép và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Dịch vụ
Tra cứu các thông tin liên quan đến Kiểu dáng công nghiệp
Tư vấn về khả năng bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp
Đăng ký Kiểu dáng công nghiệp
Tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại và hủy bỏ hiệu lực của bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp
Gia hạn hiệu lực bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp
Tiến hành các thủ tục ghi nhận những thay đổi liên quan đến Kiểu dáng công nghiệp
Câu hỏi thường gặp
Theo Điều 4.13 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Theo Điểm 23.2, Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp được hiểu là đưa các sản phẩm đó vào sử dụng theo đúng tính năng, công dụng, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng; bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là bộ phận có khả năng lưu thông độc lập, có thể tháo rời khỏi sản phẩm phức hợp; sản phẩm phức hợp là sản phẩm được tạo thành bởi nhiều bộ phận có thể thay thế được, có thể tháo ra và lắp lại được.
Theo Khoản 2 Điều 134 Luật SHTT, sau khi nộp đơn kiểu dáng và được cấp văn bằng bảo hộ ("bằng"), thì chủ bằng có quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng đó. Theo đó, chủ bằng được độc quyền sử dụng kiểu dáng và thu được lợi nhuận từ sự độc quyền này. Về cơ bản là có quyền ngăn cấm các hành vi:
a) Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;
b) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm a) nêu trên;
c) Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm a) nêu trên.
Chủ đơn là chủ thể (tổ chức/cá nhân) sở hữu kiểu dáng công nghiệp và do đó có quyền nộp đơn kiểu dáng. Khi bằng được cấp thì chủ đơn sẽ là chủ sở hữu của văn bằng. Theo Điều 86 của Luật SHTT thì tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng:

a) Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

* Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

* Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Theo Điều 64 Luật SHTT thì các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Những đặc điểm, hình khối, đường nét bên ngoài của sản phẩm được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm. Ví dụ: Hình xoắn ốc của mũi khoan, Hình dáng dẹt, phẳng của đĩa CD… không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp.
2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp: hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp vì không thể tạo ra hàng loạt công trình xây dựng dân dụng giống nhau hoàn toàn từ hình dáng cho đến những gì thuộc về bên trong nó như trang thiết bị, nguyên vật liệu, nó chỉ có giá trị thẩm mỹ thuần túy không thỏa mãn được yêu cầu ứng dụng trong công nghiệp.
3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Ví dụ: Động cơ xe máy. Vì kiểu dáng công nghiệp bắt buộc phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và mang đặc tính mỹ thuật, hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng như động cơ xe máy sẽ không được bảo hộ.
Theo quy định tại Điểm 9.7, 10.1.b, 12.4 Thông tư số 23 /2023/TT-BKHCN và Điều 119.2 Luật SHTT, kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:

- Thẩm định hình thức: 01 tháng

- Công bố đơn: Theo Điều 110 của Luật SHTT, người nộp đơn có thể yêu cầu trì hoãn công bố tại thời điểm nộp đơn đăng ký kiểu dáng, nhưng thời gian trì hoãn không được vượt quá 07 tháng kể từ ngày nộp đơn. Theo Điểm 10.2, Thông tư số 23 /2023/TT-BKHCN, trường hợp người nộp đơn yêu cầu trì hoãn công bố, việc công bố đơn được thực hiện như sau:

♦ Nếu đơn được chấp nhận hợp lệ trước khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn, đơn sẽ được công bố vào tháng tiếp theo của tháng kết thúc thời hạn yêu cầu công bố muộn, và

♦ Nếu đơn được chấp nhận hợp lệ sau khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn, đơn sẽ được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

- Thẩm định nội dung: Không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

Trên thực tế, các thời hạn nêu trên thường kéo dài hơn.

Vui lòng liên hệ

Để được tư vấn miễn phí và các thông tin mới nhất