Kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm là một trong các yếu tố tạo nên sức hút của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Chính vì đặc điểm đó mà các nhà sản xuất không ngừng thay đổi kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm nhằm mang đến cho người tiêu dùng thêm những sản phẩm mới đẹp và tiện dụng. Đây là những thành quả đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi cái mới của chủ sở hữu. Tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn còn băn khoăn về các điều kiện bảo hộ cũng như quyền được bảo hộ cho các “sản phẩm trí tuệ” của mình bởi trên thực tế có rất nhiều hành vi xâm phạm vẫn thường xuyên xảy ra và gây rất nhiều thiệt hại cho chủ sở hữu. Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề quyền sở hữu công nghiệp nói chung và các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng, nhóm em xin chọn tình huống số 4. Do hạn chế về kiến thức nên trong bài làm không tránh khỏi những thiếu xót, nhóm em mong được sự góp ý của thầy cô để bài làm được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn.
I. Cơ sở lý luận
1. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
a. Khái niệm
Điều 15 Nghị định 100/2006 NĐ – CP đưa ra khái niệm: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc từ máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm; bao bì sản phẩm”.
b. Đặc điểm
Thứ nhất: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống cũng như sản xuất kinh doanh. Như chúng ta đã biết các tác giả khi làm ra sản phẩm của mình đều có mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng, để thu lợi nhuận cho bản thân. Do vậy khi một tác phẩm mỹ thuật ra đời nó sẽ được công chúng sử dụng, không chỉ vậy những tác phẩm mỹ thuật của các tác giả còn được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Thứ hai: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có khả năng nhân rộng, sản xuất hàng loạt với các mẫu mã kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Khi một tác phẩm mỹ thuật ra đời mục đích của tác phẩm mỹ thuật đó mà tác giả tác phẩm muốn hướng tới là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Do vậy khi nhận được tín hiệu tiêu thụ tốt của các sản phẩm này thì các sản phẩm này sẽ được sản xuất ra càng nhiều với các loại kiểu dáng phong phú, đa dạng, nhằm thỏa mãn thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng.
2. Kiểu dáng công nghiệp
a. Khái niệm
Khoản 13 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định “ Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này “. Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, phương tiện… được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.
b. Điều kiện bảo hộ. ( Được quy định tại điều 63- Luật SHTT)
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất : Có tính mới
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó. Đặc điểm tạo dáng công nghiệp là yếu tố thể hiện dưới dạng đường nét, hình khối, màu sắc, tương quan vị trí hoặc tương quan kích thước để khi kết hợp với các đặc điểm (dấu hiệu) khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để tạo thành kiểu dáng công nghiệp đó. Đặc điểm tạo dáng cơ bản là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết/ ghi nhớ, cần và đủ để xác định kiểu dáng công nghiệp và phân biệt kiểu dáng công nghiệp với kiểu dáng công nghiệp khác dùng cho sản phẩm cùng loại.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký theo quy định của pháp luật;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Thứ hai: có tính sáng tạo.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nêu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp dã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hặc bằng bất kì hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên , kiểu dáng công nghiệp đó không được tạo ra một cách dễ dàng đới với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Thứ ba: có khả năng áp dụng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp có nghĩa là nó có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghệp hoặc tiểu thủ công.
Tham khảo: Ví dụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp
II. Giải quyết vấn đề
1. Hình dáng dưa hấu hồ lô do ông minh sáng tạo ra có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không?
Ngày 26 tháng 10 năm 2004, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Công ước Berne quy định các nước áp dụng công ước này hợp thành một Liên hiệp để bảo hộ các quyền của tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Vì vậy, theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng bảo hộ quyền tác giả.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tác ra hoặc sở hữu . Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và đươc thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ , đã công bố hay chưa công bố, đã đăng kí hay chưa đăng kí ( Điều 6, luật sở hữu trí tuệ).
Khoản 2 điều 15 nghị định 100/2006 ND-CP quy định: “ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 điều 14 Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng, hàng thủ công mỹ nghệ, hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.”
Như vậy, điều kiện để được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đó là tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (như các bản vẽ họa tiết, đường nét, hình khối, màu sắc của sản phẩm…).
Khác với kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu có khả năng đưa vào sản xuất hàng loạt đúng với vật làm mẫu, thì tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không áp dụng điều kiện bảo hộ là sản xuất hàng loạt, có thể nó chỉ được thể hiện duy nhất một lần trên một sản phẩm. Điều đó dễ hiểu khi con người ngày càng muốn thể hiện cá tính của mình thông qua việc sử dụng những thứ được gọi là “của độc”, tức là đây là duy nhất trên thế giới, như bộ bình trà, bình gốm, bộ lục bình khổng lồ…
Đối tượng của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được sáng tạo ra đều nhằm điều chỉnh sản phẩm của mình để hấp dẫn một bộ phận người tiêu dùng cụ thể. Cùng một loại sản phẩm nhưng những chi tiết bên ngoài được thay đổi lại có thể thích hợp cho các nhóm khách hàng với độ tuổi, tập tục văn hóa hay xã hội khác nhau. Từ đó tiến tới mục đích xa hơn đó là thiết lập một thị trường cạnh tranh mới và củng cố thêm nhãn hiệu của mình.
Xét tình huống nêu trên có thể có những trường hợp xảy ra như sau:
– Nếu hình dáng hồ lô dưa hấu đặc biệt mà ông A nghĩ ra đã có từ trước như :bưởi hồ lô, hay những loại quả khác hình hồ lô có sẵn trong tự nhiên, hay bình lọ hình hồ lô…. thì hình dáng dưa hấu hình hồ lô này sẽ ko đáp ứng được điều kiện để bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đó là tính mới. Như vậy, hình dáng dưa hấu hình hồ lô do ông A sáng tạo ra sẽ không được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
– Nếu hình dáng hồ lô dưa hấu đặc biệt của ông Minh có những chi tiết đặc biệt độc đáo trên quả dưa hấu như nét khắc, hình vẽ, kiêu chữ hay cái hình dáng hồ lô đó được sáng tạo thêm những hình khối đặc biệt ghép cùng thì hình dáng hồ lô đặc biệt này đáp đứng đầy đủ được các điều kiện bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Như vậy, hình dáng dưa hấu hồ lô do ông A sáng tạo ra sẽ được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
– Tác phẩm được xem xét dưới đấy là hình dáng dưa hấu hồ lô do ông Minh sáng tạo ra . Hình dáng dưa hấu hồ lô thể hiện bằng đường nét, hình khối là giống như cái bình hồ lô. Tuy nhiên, ta cần xem xét đến khía cạnh tính năng hữu ích của tác phẩm này: hình dáng dưa hấu mà ông Minh sáng tạo ra chỉ đáp ứng được nhu cầu về mặt thẩm mĩ đó là nhìn mới lạ, bắt mắt từ đó thu hút khách hàng chứ nó không làm thay đổi về chất lượng của quả dưa như: độ ngọt, ít hạt… Cho nên nếu xét về tính năng hữu ích của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì hình dáng của dưa hấu hồ lô chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Do đó hình dáng dưa hấu hồ lô của ông Minh không được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và không được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này.
2. Hình dáng dưa hấu hồ lô nói trên có đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hay không?
Theo khoản 13 điều 4 luật SHTT năm 2009 thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp có chức năng thẩm mỹ: hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng tính độc đáo, vẻ đẹp, sự bắt mắt… Sản phẩm được hiểu là đồ vật dụng cụ phương tiện … được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp, có kết cấu chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập mà ở đây cụ thể là quả dưa hấu hình hồ lô. Khi đánh giá sản phẩm này có khả năng khai thác thương mại cao, ông Minh muốn đăng kí sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp quả dưa hấu hình hồ lô của mình.
Theo điều 63 luật SHTT 2009, để hình dáng quả dưa hấu hình hồ lô được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng 3 tiêu chí:
- Có tính mới;
- Có tính sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp
Dưới đây ta sẽ xét từng yếu tố:
Tính mới: Theo Thông tư 01/2007/TT-BKHCN để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất dùng làm kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin. Như vậy, hình dáng quả dưa hấu hồ lô phải chưa từng được công bố trên thế giới, không được đồng nhất hoặc tương tự gần giống đến mức gây nhầm lẫn với các kiểu dáng đã tồn tại trước đó. Vì vậy cần phải xem xét đã có nơi nào tạo ra dưa hấu hình hồ lô chưa, có thể ở địa phương ông Minh, hình dáng dưa hấu hồ lô là hoàn toàn mới, nhưng có thể ở địa phương khác, hoặc trên thế giới, người ta đã tạo được dưa hấu hình hồ lô trước, khi đó kiểu dáng công nghiệp đã mất tính mới. Ở đây ta cũng cần xét quả dưa hấu hình hồ lô sau khi đươc ông Minh trưng bày, đã được buôn bán với số lượng lớn, sau đó mới đi đăng ký kiểu dáng thì kiểu dáng công nghiệp không còn đáp ứng được tính mới nữa vì theo khoản 4 điều 65 luật SHTT năm 2009, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố (trưng bày tại triển lãm nông nghiệp địa phương) ông Minh phải nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Tính sáng tạo: kiểu dáng dưa hấu hồ lô là thành quả sáng tạo của ông Minh. Bình thường quả dưa hấu có hình tròn, elip… tuy nhiên ônh Minh đã tạo hình dáng quả dưa hấu thành hình hồ lô, điều này đáp ứng được điều kiện kiểu dáng công nghiệp phải tạo ra bước tiến rõ rệt về mặt kỹ thuật so ới kiểu dáng của các sản phẩm cùng loại trước đó. Tuy nhiên cần phải xem xét nó có được tạo ra một cách dễ dàng đối với một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng hay không, nếu có thì kiểu dáng dưa hấu hồ lô không có tính sáng tạo. Hiện nay người ta đã sản xuất được các loại quả có hình dáng đặc biệt như dưa hấu hình vuông, dưa hình thỏi vàng, bưởi hồ lô… Vì vậy có thể thấy việc tạo hình dưa hấu hồ lô đã mất bớt tính sáng tạo, tuy nhiên để khuyến khích sự sáng tạo của người dân hơn nữa thì trường hợp này vẫn có thể coi là có tính sáng tạo.
Khả năng áp dụng công nghiệp: do sản phẩm của ông Minh có thể sản xuất với số lượng lớn bằng phương pháp thủ công nghiệp có kiểu dáng là kiểu dáng công nghiệp đó vì vậy nó có khả năng áp dụng công nghiệp. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng tạo hình dáng lạ cho nông sản thì không thể sản xuất hàng loạt.
Hơn nữa, nếu đăng kí kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng hồ lô nói trên thì mọi hành vi làm ra cái kiểu dáng đó trên mọi vật, mọi loại quả đều vi phạm. Hay trong tự nhiên mà có quả dưa hấu hình dáng hồ lô ( không do tác động) thì nghiễm nhiên hình dáng quả dưa hấu hồ lô đó cũng bị vi phạm.
Dựa vào các căn cứ đã phân tích ở trên thì hình dáng dưa hấu hồ lô nói trên không đáp ứng được các điều kiện để được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
3. Hãy đưa ra ý kiến tư vấn trong trường hợp ông Minh muốn đăng ký khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp
Vì không thể đăng ký kiểu dáng dưa hình hồ lô nên người có kiểu dáng trái cây kì lạ có thể đăng ký bảo hộ khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp. Bởi người có độc quyền kiểu dáng khuôn chỉ có thể độc quyền về cái khuôn, người khác không có quyền sản xuất, mua bán cái khuôn tương tự cái khuôn này. Tuy nhiên, người khác vẫn có quyền dùng một công cụ khác, dùng cách khác để ép quả dưa, quả bưởi thành hình hồ lô. Thậm chí, người khác có quyền sản xuất ra cái khuôn có phần rỗng bên trong là hình hồ lô… nhưng bên ngoài có trang trí thêm thắt cho khác với kiểu dáng bên ngoài của cái khuôn đã đăng ký. Bởi lẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bảo hộ bề ngoài nhìn thấy chứ không bảo hộ cái ruột bên trong.
Ví dụ, vẫn là cái khuôn nhựa có ruột rỗng theo hình hồ lô nhưng bên ngoài phủ nhiều nhựa hơn, tròn trịa hơn, không còn góc cạnh khiến làm mất hình ảnh hồ lô thì không bị xem là vi phạm so với kiểu dáng đã đăng ký.
Đối với trường hợp của ông Minh nếu như muốn đăng ký cái khuôn ép để tạo ra dưa hấu hồ lô là kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ, nếu chưa có ai đăng ký cái khuôn ép để tạo ra hình dáng hồ lô. Hoặc nếu có người đã đăng ký khuôn ép hình hồ lô rồi thì ông Minh có thể sử dụng một vài chi tiết trang trí để cho khác với cái khuôn ép đã được đăng ký bảo hộ.
Link bài viết: https://havip.com.vn/bai-tap-tinh-huong-ve-kieu-dang-cong-nghiep/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/