Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ ra là: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”.
1. Trước hết đối với hai căn bệnh chủ quan duy ý chí và bệnh bảo thủ trì trệ
Bệnh chủ quan duy ý chí là căn bệnh có khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố chủ quan, cường điệu tính sáng tạo của ý thức, của ý chí, xa rời hiện thực khách quan, bất chấp quy luật khách quan, lấy nhiệt tình cách mạng thay thế cho sự yếu kém về tri thức khoa học. Đây là lối suy nghĩ và hành động đơn giản, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan; thể hiện rõ trong khi định ra những chủ trương, chính sách và lựa chọn phương pháp tổ chức họat động thực tiễn theo hướng áp đặt, rơi vào ảo tưởng, chủ quan. Ví dụ như : mục tiêu đặt ra quá cao, biện pháp không có tính khả thi .v.v. Ngòai ra bệnh chủ quan duy ý chí còn do nguồn gốc lịch sử, xã hội, giai cấp, tâm lý của người sản xuất nhỏ chi phối. Cơ chế quan liêu bao cấp cũng tạo điều kiện cho sự ra đời của căn bệnh này.
Bệnh bảo thủ, trì trệ là tuyệt đối một nhận thức nào đó về sự vật có được trong hòan cảnh lịch sử phát triển nhất định của nó và xem đó là nhận thức duy nhất đúng về tòan bộ sự vật trong quá trình phát triển tiếp theo của nó. Hay nói cách khác, bệnh bảo thủ, trì trệ là khuynh hướng cường điệu vai trò quyết định của vật chất, sùng bái sức mạnh của quy luật, hạ thấp vai trò của nhân tố chủ quan – khuynh hướng đó sẽ dẫn đến bảo thủ, trì trệ, ngại gian khổ, bó tay khuất phục trước khó khăn, trước hòan cảnh khách quan. Biểu hiện của “bệnh” này là tình trạng ỷ lại, dựa dẫm, chờ đợi, ngại đổi mới, thậm chí cản trở cái mới, bằng lòng thỏa mãn với cái đã có – là bạn đồng hành với chủ nghĩa quan liêu, độc đóan và hậu quả tất yếu là làm cản trở, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển.
Hai căn bệnh này xuất phát từ khuynh hướng sai lầm, cực đoan trong việc nhận thức mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
Chúng ta đã biết theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, giữa vật chất và ý thức có mối quan hệ biện chứng, thể hiện qua vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức và tính độc lập tương đối, sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất. Vật chất là cơ sở, cội nguồn sản sinh ra ý thức. Vật chất là cái có trước, nó sinh ra ý thức, quyết định nội dung và xu hướng phát triển của ý thức. Không có vật chất thì không thể có ý thức bởi vì nguồn gốc của ý thức chính là vật. Tuy nhiên, mặc dù do vật chất sinh ra và quy định nhưng ý thức lại có tính độc lập tương đối. Sự phản ánh của ý thức đối với vật chất là sự phản ánh sáng tạo chủ động chứ không thụ động máy móc nguyên si, vì vậy nó có tác động trở lại đối với vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Tuy vậy, sự tác động của ý thức đối với vật chất cũng chỉ với mức độ nhất định, nó không thể sinh ra hay tiêu diệt các quy luật vận động của vật chất.
Từ mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, chúng ta rút ra được nguyên tắc khách quan. Nguyên tắc này đòi hỏi chúng ta trong nhận thức và hành động phải xuất phát từ chính bản thân sự vật với những thuộc tính, những mối liên hệ vốn có của nó, những quy luật khách quan, phải có thái độ tôn trọng sự thật, không được lấy ý muốn chủ quan của mình làm chính sách, không được lấy tình cảm làm điểm xuất phát cho chiến lược, sách lược cách mạng. Việc thực hiện nguyên tắc khách quan không có nghĩa là quan điểm khách quan xem nhẹ, tính năng động, sáng tạo của ý thức mà nó còn đòi hỏi phải phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, của nhân tố chủ quan. Bởi vì quá trình đạt tới tính khách quan đòi hỏi chủ thể phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc tìm ra những biện pháp, những con đường để từng bước thâm nhập sâu vào bản chất của sự vật, trên cơ sở đó thực hiện việc biến đổi từ cái “vật tự nó” thành cái phục vụ cho nhu cầu lợi ích của con người
Vì vậy trong thực tế nhận thức và hoạt động của con người, việc tuyệt đối hóa một trong hai mặt của vật chất và ý thức đã dẫn tới bệnh chủ quan duy ý chí và bệnh bảo thủ trì trệ.
Trước thời kỳ đổi mới Đảng ta đã mắc bệnh chủ quan duy ý chí và bệnh bảo thủ trì trệ trong việc xác định mục tiêu và hướng đi về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế. Đảng ta đã nóng vội muốn xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần, chỉ còn lại hai thành phần là : kinh tế quốc doanh và tập thể; hay có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng mà không chú ý đến phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp trong khi nước ta là một nước nông nghiệp, tất cả những điều kiện vật chất khách quan đều thuận lợi để phát triển nông nghiệp; Đồng thời đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, cơ chế xin – cho, có nhiều chủ trương sai lầm trong việc cải cách giá cả, tiền tệ, tiền lương; công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ phạm nhiều khuyết điểm nghiệm trọng. Từ đó đã kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm cho nhân dân bị nghèo nàn, đất nước lạc hậu, hạn chế việc phát huy các nguồn lực, chậm khai thác tiềm năng xây dựng đất nước.
Để khắc phục hai căn bệnh nêu trên, cần thực hiện những biện pháp là:
- Phải tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đổi mới từ quan niệm, tư duy lý luận đến đổi mới cơ chế chính sách, tổ chức cán bộ, phong cách và lề lối làm việc. Thực hiện đổi mới với những hình thức, bước đi, cách làm phù hợp, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực nhận thức và vận dụng quy luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Đảng viên.
- Tăng cường phát huy dân chủ, phát huy tiềm năng cán bộ KHKT, đội ngũ cán bộ quản lý;
- Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, tổng kết cái mới, không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh lý luận;
- Phải đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
2. Đối với căn bệnh phiến diện
Bệnh phiến diện là “bệnh” khi xem xét sự vật hiện tượng chỉ nhìn thấy những sự vật cá biệt mà không nhìn thấy mối quan hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại mà không nhìn thấy sự phát sinh và tiêu vong của sự vật ấy, nhìn trạng thái tĩnh mà quên mất sự vận động của sự vật. “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”. Có khi cũng chú ý tới nhiều mặt, nhiều mối liên hệ nhưng dàn trải đều, đánh giá ngang nhau ở vị trí, vai trò của các mối liên hệ, không biết so sánh, phân tích để làm nối bật cái cơ bản nhất, cái quan trọng nhất đang chi phối sự tồn tại, vận động, chuyển hóa và phát triển của SVHT.
Căn bệnh này xuất phát từ việc không nhận thức và vận dụng đúng nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là một trong hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật, trong đó mối liên hệ phổ biến là khái niệm dùng để chỉ sự liên quan tác động, ràng buộc, quy định và chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt, các yếu tố trong một sự vật, hiện tượng (SVHT) hoặc giữa các SVHT với nhau. Mọi SVHT trong thế giới khách quan đều tồn tại trong những mối liên hệ tác động lẫn nhau, sự vật này thay đổi kéo theo sự vật kia thay đổi và không có một SVHT nào tồn tại một cách cô lập, tách rời, do đó mối liên hệ giữa các SVHT mang tính phổ biến. Mối liên hệ này còn mang tính khách quan do đây là cái vốn có từ bên trong SVHT chứ không phải do áp đặt từ bên ngoài, nó bắt nguồn từ tính thống nhất vật chất của thế giới vật chất của thế giới, từ sự tồn tại và phát triển của chính SVHT. Các SVHT trong thế giới vật chất rất đa dạng nên mối liên hệ giữa chúng cũng đa dạng.
Từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, chúng ta rút ra ý nghĩa phương pháp luận là trong nhận thức và hoạt động thực tiễn đòi hỏi chủ thể phải có quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể. Quan điểm toàn diện đòi hỏi khi xem xét, đánh giá sự vật hiện tượng, ta phải đặt chúng vào mối quan hệ với các SVHT khác, xem xét các SVHT trong mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố các thuộc tính khác nhau của chính bản thân SVHT và giữa SVHT đó với những SVHT khác (kể cả trực tiếp, gián tiếp). Quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi khi xem xét mọi vấn đề do thực tiễn đặt ra hoặc khi đánh giá một SVHT, để nhìn thấy được bản chất của sự vật hiện tượng chúng ta gắn nó với không gian và thời gian cụ thể, với những điều kiện, những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của sự tồn tại của sự vật, không được đánh giá chung.
Vì vậy việc không nhận thức và vận dụng đúng nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, về quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể, tách rời các mặt khi xem xét một vấn đề, hoặc xem xét không gắn với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể dẫn tới căn bệnh phiến diện.
Trước thời kỳ đổi mới ( Đại hội 6 ), Đảng ta đã mắc phải “bệnh” phiến diện, một chiều trong việc xây dựng phương thức sản xuất XHCN : chỉ tập trung xây dựng QHSX mà không thấy được vai trò của LLSX (tức là chưa vận dụng đúng quy luật QHSX phải phù hợp với tính chất và trình độ của LLSX), chỉ thấy một mặt của PTSX là QHSX, dẫn đến xây dựng một QHSX tiên tiến vượt xa với tính chất và trình độ của LLSX đưa đến không phát triển được nền kinh tế đất nước. Hoặc là khi xây dựng QHSX chỉ chú ý đến quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không chú ý đến mối quan hệ giữa nó với việc tổ chức quản lý sản xuất và phân phối sản phảm dẫn đến quốc hữu hóa TLSXC, phát triển kinh tế quốc doanh và tập thể (2 thành phần kinh tế chủ yếu lúc bấy giờ với 2 hình thức sở hữu là : là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể) đưa đến nền sản xuất bị đình trệ, nền kinh tế chậm phát triển.
Để khắc phục bệnh phiến diện một chiều, chúng ta cần phải có quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét nghiên cứu SNHT, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa “chính sách có dàn đều” và “chính sách có trọng điểm” trong phát triển kinh tế. Đổi mới phải thực hiện toàn diện, đồng bộ triệt để với những bước đi, hình thức, cách làm phù hợp. Trong mỗi bước đi của công cuộc đổi mới đó phải xác định đúng khâu then chốt để tập trung sức giải quyết, làm cơ sở đổi mới các khâu khác, các lực lượng khác, như lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực khác.
3. Đối với căn bệnh giáo điều và bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa
Bệnh giáo điều là căn bệnh mà khuynh hướng tuyệt đối hóa lý luận, coi thường kinh nghiệm thực tiễn, coi lý luận là bất di bất dịch, việc nắm lý luận chỉ dừng lại ở những nguyên lý chung trừu tượng, không chú ý đến những hoàn chỉnh lịch sử cụ thể của sự vận dụng lý luận. Bệnh giáo điều thuộc lòng lý luận, cho rằng áp dụng lý luận áp dụng vào đâu cũng được không xem xét điều kiện cụ thể của mình. Ví dụ như theo Mác thì phải xóa bỏ tư hữu dẫn đến việc ta tiến hành cải tạo XHCN xóa tất cả các thành phần kinh tế nhằm mục đích chỉ còn 2 thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể mà không thấy được rằng “Nền kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”, sự có mặt của nhiều thành phần kinh tế với các mối quan hệ tác động qua lại của nó sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn này.
Bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa là căn bệnh áp dụng nguyên si rập khuôn mô hình của nước khác, của địa phương khác vào nước mình, địa phương mình mà không sáng tạo lại. Bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa có khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của tri thức kinh nghiệm, coi thường lý luận, đề cao thực tiễn, hạ thấp lý luận, ngại học tập lý luận.
Một trong những nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và bệnh giáo điều xuất phát từ khuynh hướng nhận thức sai lệch về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiển.
Giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Trong mối quan hệ đó, thực tiễn có vai trò quyết định, vì thực tiễn là hoạt động vật chất, còn lý luận là sản phẩm của hoạt động tinh thần. Vai trò quyết định của thực tiễn đối với lý luận thể hiện ở chổ : chính thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích, là tiêu chuẩn để kiểm tra nhận thức và lý luận; nó cung cấp chất liệu phong phú sinh động để hình thành lý luận và thông qua hoạt động thực tiễn, lý luận mới được vật chất hóa, hiện thực hóa, mới có sức mạnh cải tạo hiện thực. Lý luận mặc dù được hình thành từ thực tiễn nhưng nó có vai trò tác động trở lại đối với thực tiễn. Sự tác động của lý luận thể hiện qua vai trò xác định mục tiêu, khuynh hướng cho hoạt động thực tiễn (lý luận là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn), vai trò điều chỉnh hoạt động thực tiễn, làm cho hoạt động thực tiễn có hiệu quả hơn.
Từ mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, ta rút ra được quan điểm thực tiễn. Quan điểm thực tiễn đòi hỏi khi xem xét sự vật hiện tượng phải gắn với thực tiễn, phải theo sát sự phát triển của thực tiễn để điều chỉnh nhận thức cho sự phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, hiệu quả của thực tiễn để kiểm tra những kết luận của nhận thức, kiểm tra những luận điểm của lý luận. Quan điểm thực tiễn cũng đòi hỏi những khái niệm của chúng ta về sự vật phải được hình thành, bổ sung và phát triển bằng con đường thực tiễn, trên cơ sở thực tiễn chứ không phải bằng con đường suy diễn thuần túy, không phải bằng con đường tự biện. Do thực tiễn luôn vận động và phát triển nên phải thường xuyên tổng kết quá trình vận dụng lý luận vào thực tiễn, xem nó thừa thiếu nhằm bổ sung phát triển nó cho phù hợp.
Vì vậy việc vi phạm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn dẫn tới căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và bệnh giáo điều.
Trước thời kỳ đổi mới ( Đại hội 6 ), căn “bệnh” giáo điều biểu hiện ở nước ta là qua việc xóa bỏ chế độ tư hữu, tiến hành cải tạo XHCN; xóa tất cả các thành phần kinh tế, chỉ còn kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Điều này do áp dụng lý luận vào đâu cũng được mà không xem xét điều kiện thực tiễn, điều kiện cơ sở vật chất khách quan của đất nước.
Còn đối với căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa biểu hiện ở việc bắt chước một cách rập khuôn theo mô hình XHCN ở Liên Xô ( cũ ) : Liên Xô có bao nhiêu bộ ta cũng có bấy nhiêu bộ, Liên Xô phát triển công nghiệp nặng thì ta cũng phát triển công nghiệp nặng mà không xem xét đến điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng thời không chú ý đến phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ trong khi nước ta là một nước nông nghiệp với tất cả những điều kiện vật chất khách quan đều thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Để khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, bệnh giáo điều chúng ta cần phải nâng cao trình độ lý luận; Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hóa, bổ sung phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đấu tranh với khuynh hướng, tư tưởng sai ; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, công tác giảng dạy và học tập lý luận; mở rộng dân chủ và giữ vững định hướng chính trị trong họat động lý luận; đổi mới công tác lý luận của Đảng viên trên nền tảng Chủ Nghĩa Marx – Lénin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận, Đảng định hướng cho công tác lý luận.
Link bài viết: https://havip.com.vn/benh-chu-quan-duy-y-chi-bieu-hien-nhu-the-nao/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/