1. Các khái niệm
– “Chỉ dẫn địa lý” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
– Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi sử dụng cho sản phẩm có nghĩa như sự bảo đảm với người tiêu dùng rằng sản phẩm đó có nguồn gốc xác định (từ vùng chỉ dẫn địa lý được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ) và có danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính xác định (chủ yếu do các điều kiện địa lý của vùng sản xuất sản phẩm quyết định).
– Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.
– Quản lý chỉ dẫn địa lý là các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
– Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh (trong trường hợp khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi một tỉnh) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các tỉnh liên quan (trong trường hợp khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi nhiều tỉnh).
– Quyền sử dụng chỉ dẫn địal ý thuộc về tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý trao quyền sử dụng.
Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nếu sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc tại vùng chỉ dẫn địa lý, có chất lượng và đặc tính xác định được Cục sở hữu trí tuệ công nhận (tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý).
– Phát triển chỉ dẫn địa lý là việc triển khai các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
2. Mục tiêu của việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý
Việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nhằm hướng tới những mục tiêu sau:
- Đảm bảo quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý, ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý;
- Đảm bảo sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đáp ứng các điều kiện quy định về chất lượng, xuất xứ nhằm duy trì danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo đảm cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng và nguồn gốc địa lý đúng như đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.
3. Căn cứ triển khai hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý
– Căn cứ thực tiễn: Việc triển khai các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý cần được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực tiễn về tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, các điều kiện đặc thù của vùng địa lý…, có tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước có lịch sử phát triển chỉ dẫn địa lý lâu đời.
– Căn cứ pháp lý: Căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động quản lý và pháp triển chỉ dẫn địa lý bao gồm:
- Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng về: tiêu chuẩn bảo hộ, nội dung quyền, điều kiện sử dụng, thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý…, hành vi xâm phậm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và các biện pháp chế tài…
- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó xác nhận:
+ Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ không thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý: tên, mô tả chất lượng, đặc tính;
+ Thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
+ Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý: tổ chức, cá nhân được Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý cho phép;
- Các văn bản, quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt hoặc ban hành nhằm:
+ Trao quyền quản lý (nếu không trực tiếp quản lý): quyết định công nhận Cơ quan kiểm soát chất lượng;
+ Quy định về thủ tục trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;
+ Phê duyệt các quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản… sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
+ Phê duyệt các quy chế, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý và tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
4. Đối tượng tham gia quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý
Đối tượng tham gia quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý gồm: Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý và tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
a) Cơ quan Nhà nước
Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý có thể trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh. thành phố trực thuộc Trung ương nơi có vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hoặc Cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và trao quyền quản lý. Cơ quan này có thể là:
- Sở khoa học và Công nghệ, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp… (tùy thuộc vào mức độ tham gia của các Sở này vào quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý đã được thực hiện trước đó);
- Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý cần thành lập hoặc trao quyền cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng kiểm soát chất lượng (Cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý). Cơ quan này có nhiệm vụ giúp cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý kiểm soát (từ bên ngoài) việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các thành viên thuộc Tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm có chức năng kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và có đủ khả năng huy động nguồn nhân lực và các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để tiền hành đánh giá chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, Cơ quan kiểm soát chất lượng có thể là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tận dụng và huy động cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của cơ quan này vào hoạt động kiểm soát.
b) Tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm
Là tổ chức do các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tự nguyện thành lập và tham gia theo quy định của pháp luật. Tổ chức tập thể này có thể được thành lập dưới hình thức hội/hiệp hội, hợp tác xã hoặc tổ/nhóm kết hợp một số nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Việc lựa chọn mô hình nào tùy thuộc vào điều kiện và đặc trưng của từng vùng, địa phương và tính chất của từng loại sản phẩm.
Việc thành lập Tổ chức tập thể này là cần thiết để hỗ trợ Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý trong quá trình quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi nội bộ các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
c) Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm
Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là nhân tố trung tâm, quan trọng nhất trong hệ thông quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Họ đóng vai trò quyết định hiệu quả vận hành của hệ thống quản lý.