Theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó.
Để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.
1. Khái niệm thế nào là nhãn hiệu chứng nhận?
a. Nhãn hiệu chứng nhận là gì? Các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận
– Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác nhau của hàng hóa, dịch mang nhãn hiệu.
– Điều kiện bảo hộ: tương tự như đối với nhãn hiệu nói chung, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chứ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
b. Quyền đăng ký và sở hữu nhãn hiệu chứng nhận
– Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhật chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chi khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
– Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Quản lý nhãn hiệu chứng nhận là các hoạt động của chủ sở hữu nhãn hiệu điều hành, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu.
– Quyền quản lý nhãn hiệu chứng nhận thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu.
– Quyền quản lý nhãn hiệu chứng nhận thuốc về tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu trao quyền sử dụng.
Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu quy định tại Quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.
– Phát triển nhãn hiệu chứng nhận là việc triển khai các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về nhãn hiệu chứng nhận và sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng cáo giá trị sản phẩm, xúc tiến hoạt động thương mại hóa sản phẩm.
2. Mục tiêu của việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận
Việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nhằm đặt được những mục tiêu sau:
- Đảm bảo quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu chứng nhận;
- Đảm bảo sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đáp ứng các điều kiện quy định về các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất sản phẩm, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của sản phẩm mang nhãn hiệu như đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.
- Tăng giá bán sản phẩm, mở rộng thị trường thiêu tụ, tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
3. Đối tượng tham gia quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận
Đối tượng tham gia quản lý nhãn hiệu chứng nhận gồm: chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và Cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
a. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận
Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận là người đứng tên trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, phải có chức năng, điều kiện kiểm soát, xác định các tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm.
Đối với các sản phẩm đặc sản cần chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chất lượng đặc thù, tổ chức chứng nhận nên là cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành của địa phương, có thể là Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường- Chất lượng hoặc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức chứng nhận phải đảm bảo không trực tiếp hoặc gián tiêp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và có đủ khả năng huy động nguồn nhân lực và các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết để tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
b. Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận
Là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đáp ứng các điều kiện sử dụng và được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Các nhà sản xuất kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận là nhân tố trung tâm, quan trọng nhất trong hệ thông quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Họ đóng vai trò quyết định khả thi và hiệu quả vận hành của hệ thông quản lý.
c. Các Cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan
Để có thể vận hành hiệu quả hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, cơ quan chủ trì dự án cần huy động sự tham gia các Cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận.
4. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận
Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Ni-xơ 11 về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
Tham khảo: Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm
5. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung gì?
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
- Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
- Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
- Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
Tham khảo: Quy chế sử dụng nhãn hiệu
Link bài viết: https://havip.com.vn/dang-ky-bao-ho-nhan-hieu-chung-nhan/
Link trang chủ: https://havip.com.vn