Vì thua lỗ lớn, chủ sở hữu “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một doanh nghiệp Trung Quốc (từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột) với giá 18 tỉ đồng.
Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực đòi lại nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp thì mới đây, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh An (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil – Đắk Nông) gửi văn bản lên Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết sẽ bán nhãn hiệu cà phê đã được bảo hộ ở Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ nếu không được hỗ trợ cho vay vốn.
Bán thương hiệu để trả nợ
HTX Minh An chuyên mua bán nông sản, chế biến cà phê bột xuất khẩu. Sản phẩm cà phê bột của HTX Minh An xuất khẩu dưới 2 nhãn hiệu hàng hóa là “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil”. Ngoài được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ tại nước ta, hai nhãn hiệu cà phê này cũng đã được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc và Mỹ.
Huyện Đắk Mil ngày trước có tên gọi là Đức Lập – vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Thương hiệu cà phê Đức Lập cũng đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh có chỉ dẫn địa lý “Đức Lập”.
Thế nhưng, điều khá bất ngờ là HTX này đang đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải tính đến việc bán hai nhãn hiệu cà phê trên cho đối tác nước ngoài để lấy tiền trả nợ. Ngày 7/3, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An, đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đề nghị có biện pháp hỗ trợ HTX vay 5 tỉ đồng để bù đắp vốn kinh doanh; đồng thời nói rõ dự định sẽ chuyển nhượng 2 nhãn hiệu cà phê nếu không được hỗ trợ.
Ngày 23/3, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã có công văn trả lời, trong đó nêu rõ: Kiến nghị của HTX Minh An không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông. Sở cũng thể hiện rõ quan điểm không có trách nhiệm liên quan trong trường hợp HTX Minh An chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài.
Giá bán ngang tiền nợ
Từ khoảng năm 2006-2009, HTX Minh An làm ăn khá hiệu quả với nhiều giải thưởng uy tín trong nước và ngoài nước. Vậy nhưng, từ đầu năm 2010 đến nay, HTX này làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất. Hiện nay, HTX này nợ người dân và 2 đơn vị 18 tỉ đồng, không có khả năng thanh toán và phải ngừng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, HTX Minh An đang nợ thuế gần 500 triệu đồng.
Lý giải vì sao HTX nợ nần chồng chất dẫn đến ý định bán thương hiệu, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết vì một số lý do rủi ro trong kinh doanh, đã dẫn đến việc HTX nợ quá hạn ngân hàng hơn 3 tháng. “Khi đã tạm ổn định tình hình, HTX đã tới ngân hàng thanh toán để vay lại nhưng ngân hàng không cho vay nữa, dẫn đến không có vốn kinh doanh” – ông Toàn nói.
Thực chất theo tìm hiểu của phóng viên, trong một thời gian dài, HTX Minh An đã nhận ký gửi cà phê của người dân với giá thấp rồi đem bán. Khi giá lên cao, người dân tới lấy cà phê thì HTX không đủ tiền để trả, dẫn đến lâm nợ. Ông Nguyễn Trọng Đính, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, xác nhận HTX Minh An đang nợ gia đình ông 2,2 tấn cà phê nhân, ngoài ra còn nợ nhiều người khác.
Dựa trên tình hình thực tiễn, việc HTX Minh An bán hai nhãn hiệu cà phê “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định người đại diện của một doanh nghiệp Trung Quốc từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd, tỉnh Quảng Đông – PV) đã liên hệ với ông hỏi mua lại nhãn hiệu này với giá 18 tỉ đồng – bằng với số tiền mà HTX này đang mang nợ.
Không được bán nhãn hiệu
Mặc dù không thừa nhận trách nhiệm giải quyết thuộc về mình nhưng trong văn bản trả lời HTX Minh An, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đề nghị HTX Minh An không được chuyển nhượng nhãn hiệu cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài; thay vào đó chuyển giao chỉ dẫn “Đức Lập” cho địa phương để xây dựng thương hiệu cà phê chung cho tỉnh Đắk Nông. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị UBND huyện Đắk Mil không thừa nhận việc bán, chuyển nhãn hiệu cà phê cho nước ngoài.