Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (tiếng Anh: Certificate of Trademark Registration) được gọi là văn bằng bảo hộ. Là chứng từ pháp lý quan trọng để bảo vệ tư cách pháp lý của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo quy định, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
1. Quy trình thủ tục để cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi tiến hành tra cứu giấy chứng nhận nhãn hiệu đã đăng ký hay chưa và nhận thấy khả năng nhãn hiệu có thể đăng ký thành công, doanh nghiệp sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
- Thời gian thẩm định hình thức: 01-02 tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Công bố Đơn trên Công báo của Cục sở hữu trí tuệ: 02 tháng;
- Thẩm định nội dung của nhãn hiệu: 09-12 tháng;
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 01-02 tháng kể từ ngày có thông báo dự nộp phí cấp văn bằng bảo hộ.
Tham khảo: Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
2. Gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là việc cần thiết sau khi chủ sở hữu đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu.
Đơn gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nhưng không được quá 6 tháng kể từ ngày hết hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn. Nếu không sẽ bị chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
3. Phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các chủ đơn nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu phát hiện ra các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đăng ký nhãn hiệu có những từ ngữ, hình ảnh tương tự với nhãn hiệu của mình thì có thể thực hiện việc phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu đó.
– Đối tượng có quyền phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Bất kì bên thứ ba nào cũng có quyền phản đối phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị phản đối bởi một hoặc nhiều bên.
– Phạm vi thực hiện thủ tục phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Các bên thứ ba có quyền thực hiện phản đối cấp giấy xác nhận đăng ký nhãn hiệu về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và về những vấn đề khác liên quan đến đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu.
– Thời điểm thực hiện thủ tục phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
– Hình thức của việc phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Nội dung phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
– Cơ quan tiếp nhận và xử lý ở đâu?
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Địa chỉ: 384-386 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam.
– Hồ sơ phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Công văn giải trình về việc phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo.
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí liên quan đến phản đối theo quy định.
– Trình tự và thời gian xử lý yêu cầu phản đối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của người thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản.
- Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người thứ ba và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người thứ ba trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
- Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của người nộp đơn và người thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn.
– Kết quả thực hiện
Sau khi nhận được công văn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét giải quyết yêu cầu phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu trên cơ sở các chứng cứ, lập luận của hai bên. Trên cơ sở đó, Cục SHTT sẽ ra thông báo giải quyết phản đối nhãn hiệu là một trong ba văn bản sau:
- Ra quyết định không cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu bị phản đối nếu thấy đã có đủ cơ sở để giải quyết.
- Trong trường hợp xét thấy ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét ý kiến, có nêu rõ lý do.
- Trong trường hợp cần thêm ý kiến, tài liệu của các bên, Cục sở hữu trí tuệ có thể thông báo ý kiến phản đối tới Chủ đơn bị phản đối và ấn định thời hạn để bên này trả lời bằng văn bản. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi (trong trường hợp có trả lời), nếu xét thấy cần thiết, Cục SHTT sẽ thông báo cho bên phản đối để tiếp tục có ý kiến bổ sung.
Tham khảo: Tờ khai đăng ký nhãn hiệu
4. Sửa đổi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp là chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sửa đổi thông tin liên quan đến tên của chủ văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, thủ tục chỉ được thực hiện nếu chủ thể có yêu cầu nộp đầy đủ phí, lệ phí.
Hồ sơ yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ, trong đó nêu rõ yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên chủ văn bằng bảo hộ;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ;
- Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên (bản gốc hoặc bản sao có công chứng quyết định đổi tên; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên);
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp yêu cầu thông qua đại diện); Bạn có thể tải: Mẫu giấy ủy quyền của HAVIP
- Chứng từ nộp lệ phí sửa đổi văn bằng bảo hộ, lệ phí công bố quyết định sửa đổi, đăng bạ theo quy định.
5. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức theo đuổi, chờ đợi. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu giúp doanh nghiệp chống lại các hành vi xấu trong kinh doanh, là bằng chứng về quyền hợp pháp khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, doanh nghiệp cần có ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ các Giấy chứng nhận nhãn hiệu. Trong trường hợp bị mất hay hư hỏng cần thực hiện ngay thủ tục cấp lại.
a. Căn cứ cấp lại
Có một số trường hợp chủ văn bằng có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp lại văn bằng bảo hộ như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hỏng (rách, bẩn, phai mờ…) đến mức không sử dụng được;
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất.
b. Tài liệu yêu cầu cấp lại
Tài liệu cấp lại gồm:
- Tờ khai yêu cầu cấp lại được làm theo mẫu;
- Bản gốc văn bằng nếu bị hư hỏng;
- 01 mẫu nhãn hiệu trùng với mẫu trong Giấy chứng nhận gốc;
- Giấy uỷ quyền (theo mẫu yêu cầu);
- Chứng từ nộp lệ phí cấp lại.
c. Quy trình cấp lại
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ phải xem xét yêu cầu cấp lại văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, do số lượng đơn yêu cầu lớn nên thời gian cấp lại có thể kéo dài thêm 2-3 tháng.
Trường hợp yêu cầu cấp lại văn bằng đáp ứng các đủ quy định của pháp luật Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp lại và ghi nhận vào mục đăng bạ của văn bằng bảo hộ tương ứng trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp. Nội dung bản cấp lại thể hiện đầy đủ các thông tin của Giấy chứng nhận cấp lần đầu và phải kèm theo chỉ dẫn “Bản cấp lại”.
Trường hợp yêu cầu cấp lại u không đáp ứng đủ quy định của Pháp luật Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối cấp lại giấy chứng nhận, có nêu rõ lý do.
Link bài viết: https://havip.com.vn/giay-chung-nhan-dang-ky-nhan-hieu/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/