Không ít các bài báo hoặc các trang mạng xã hội hiện đang truyền thông đến người tiêu dùng những thông tin sai về mã số mã vạch của sản phẩm. Điển hình loại bài viết này có thể kể đến những nhận biết xuất xứ hàng hóa qua những con số đứng đầu của mã số mã vạch (2, 3 chữ số đầu); thuật toán xác định hàng thật, hàng giả thông qua các con số của mã vạch.
Cách hiểu mã số mã vạch thể hiện xuất xứ sản phẩm bắt nguồn từ cấu trúc của mã thương phẩm toàn cầu GTIN có chứa mã số quốc gia gồm 2 hoặc 3 ký tự đứng đầu. Nhiều người cho rằng nước xuất xứ hàng hóa là nước đã sản xuất ra sản phẩm, chỉ nhà sản xuất mới là người gán mã số mã vạch cho sản phẩm và để có mã số mã vạch GTIN, người sản xuất chỉ có thể đăng ký với tổ chức GS1 thành viên thuộc quốc gia sở tại của người sản xuất. Do đó xem các chữ số đứng đầu mã số mã vạch sẽ cho viết nước của nhà sản xuất, tức là nước xuất xứ sản phẩm. Cách hiểu này có nhiều điểm không đúng, cụ thể:
– Theo quy định của Tổ chức GS1 toàn cầu thì chủ nhãn hiệu sản phẩm là người gán mã GTIN cho sản phẩm. Chủ nhãn hiệu có thể là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc đơn vị phân phối thu mua sản phẩm rồi bao gói lại theo nhãn, mác của họ. Trường hợp công ty ở Việt Nam, nhập khẩu hàng sản xuất và chưa có mã số mã vạch từ Trung Quốc (xuất xứ Trung Quốc) sau đó đóng gói, bao nhãn lại mang mã số mã vạch của công ty có đầu mã quốc gia Việt Nam. Đây là trường hợp hoàn toàn hợp pháp, thường xảy ra trong thực tế và lúc này quy tắc đầu mã số mã vạch thể hiện xuất xứ hàng hóa không còn đúng.
– Xuất xứ của sản phẩm không phải là nơi đã tạo ra sản phẩm mà phụ thuộc vào thành phần, nguồn gốc của nguyên vật liệu chính tạo ra sản phẩm. Một sản phẩm được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở một nước, với nguyên liệu hoặc linh kiện chủ yếu nhập từ nước khác thì nước lắp ráp chưa chắc đã được coi là nước xuất xứ sản phẩm.
– Trong xu thể toàn cầu hóa, công ty A sở hữu một nhãn hiệu sản phẩm, họ hoàn toàn có thể thuê gia công sản phẩm này ở nhiều nước khác nhau và ủy quyền cho đơn vị gia công ở nước khác sử dụng mã số mã vạch của họ in, gán trên sản phẩm gia công cho họ. Như vậy cùng một loại sản phẩm, mang cùng một mã GTIN có đầu mã quốc gia nơi Công ty A đăng ký, nhưng sản phẩm này có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau.
– Công ty có trụ sở ở nước này có thể đăng ký mã số mã vạch với một tổ chức GS1 thành viên thuộc nước khác, khi gán mã số mã vạch của họ lên sản phẩm do họ sản xuất trong nước (nước xuất xứ), sẽ dẫn đến hiện tượng đầu mã quốc gia của mã số mã vạch không thể hiện nước xuất xứ. Ví dụ: một số công ty ở Việt Nam có thể đăng ký mã UPC của Mỹ, các doanh nghiệp thuộc quốc gia chưa có tổ chức GS1 thành viên, có thể đăng ký với GS1 toàn cầu ở Bỉ. Sản phẩm họ sản xuất ra có xuất xứ tại nước họ, nhưng đầu mã số mã vạch lại là của Mỹ hoặc Bỉ.
Tham khảo: Mã số mã vạch các nước
Những trường hợp cụ thể nêu trên chỉ cho chúng ta thấy quan niệm những chữ số đầu của mã số mã vạch thể hiện xuất xứ sản phẩm là hoàn toàn sai lầm.
Link bài viết: https://havip.com.vn/ma-so-ma-vach-khong-hoan-toan-the-hien-xuat-xu-san-pham/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/