Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài trong năm 2020? Cần chuẩn bị giấy tờ gì khi kết hôn với người nước ngoài?… là những vấn đề được nhiều người quan tâm.
1. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài năm 2020
a. Về thủ tục đăng ký
Thủ tục đăng ký kết hôn với nguời nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo trình tự sau:
Thứ nhất, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng kí kết hôn gồm các giấy tờ sau đây:
– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
– Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
– Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm tú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm tú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.
Thứ hai, về nơi tiếp nhận giải quyết hồ sơ. Hồ sơ nêu trên cần phải lập thành 2 bộ và nộp tại Phòng Tư pháp cấp huyện/quận nơi bạn thường trú. Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên đương sự phải có mặt. Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba.
b. Về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Căn cứ vào Mục 3 Chương III Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân:
– Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
– Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
– Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định.
Lưu ý: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
c. Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Căn cứ Mục 1 Chương IV Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
– Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
– Trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
– Nếu sau đó hai bên nam, nữ vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
– Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện từ chối đăng ký kết hôn, Phòng Tư pháp thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam, nữ.
2. Đăng ký kết hôn với người nước ngoài và thủ tục bảo lãnh ra nước ngoài?
a. Căn cứ pháp lý giải quyết việc kết hôn với người nước ngoài
Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch
Nghị định 136/2007/NĐ-CP Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
b. Điều kiện và thủ tục kết hôn với người nước ngoài
Điều 8 Luât hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện kết hôn:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014:
– Người đang có vợ hoặc có chồng thì không thể đăng ký kết hôn với người khác được;
– Người mất năng lực hành vi dân sự thì không được kết hôn;
– Những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thì không thể kết hôn cùng nhau;
– Cha, mẹ nuôi không được kết hôn với con nuôi;
– Những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi thì không được kết hôn với nhau;
– Những người đã từng là bố chồng với con dâu thì không được kết hôn với nhau;
– Những người đã từng là mẹ vợ với con rể thì không được kết hôn với nhau;
– Những người đã từng là bố dượng với con riêng của vợ thì không được kết hôn với nhau;
– Những người đã từng là mẹ kế với con riêng của chồng thì không được kết hôn với nhau;
– Những người cùng giới tính không được kết hôn với nhau.
Việc lãnh sự quán có yêu cầu người thân trong gia đình làm bản cam kết chứng nhận hai anh chị có quen biết và được gia đình đồng ý cho kết hôn để làm rõ về việc hai người kết hôn là tự nguyện và hợp pháp. Đối với mẫu xác nhận này bạn tự lập mà không có mẫu sẵn, việc xác lập này không cần công chứng vì không thuộc thẩm quyền công chứng của cơ quan nào cả. Bản chất giấy xác nhận này sẽ hoàn thiện hơn về hồ sơ kết hôn tại buổi phỏng vấn kết hôn.
c. Việc bảo lãnh người thân ra nước ngoài sau kết hôn
Các trường hợp xin thị thực dài hạn hoặc định cư tại nước ngoài (bảo lãnh) cụ thế sẽ do luật pháp nước nơi bạn chuẩn bị đến quy định.
Ví dụ chính phủ Cộng hòa liên bang Đức quy định những trường hợp sau đây cần xin cấp thị thực dài hạn:
– Đoàn tụ gia đình.
– Đi du học.
– Đi trông trẻ tại Đức.
– Đi làm việc.
– Kết hôn/ đoàn tụ với vợ hoặc chồng tương lai (tức là chưa kết hôn).
3. Lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài
– Tại Hà Nội: Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội ban hành quy định mức lệ phí đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện là 1 triệu đồng/việc.
– Tại Hồ Chí Minh: Mức lệ phí đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện là 1 triệu đồng/trường hợp theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành.
Link bài viết: https://havip.com.vn/thu-tuc-dang-ky-ket-hon-voi-nguoi-nuoc-ngoai-nam-2020/
Link trang chủ: https://havip.com.vn/