Sau khi đăng ký thành lập công ty, công ty (doanh nghiệp) cần tiến hành một số thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Sau đây, HAVIP LAW xin gửi đến Quý thành viên một số công việc pháp lý cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp mới nhất.
1. Khắc dấu và thông báo mẫu dấu công ty
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có thể liên hệ với các đơn vị khắc dấu để làm con dấu cho công ty.
Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện được Tên doanh nghiệp; Mã số doanh nghiệp.
Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thủ tục thông báo mẫu dấu công ty có thay đổi so với trước đây.
Tham khảo: Thủ tục thành lập doanh nghiệp cần những giấy tờ gì?
2. Mở tài khoản ngân hàng
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần liên hệ các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình.
Bước 1: Lựa chọn một trong các ngân hàng lớn có nhiều phòng giao dịch trên toàn quốc để tiện cho việc giao dịch.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký mở tài khoản ngân hàng gồm những giấy tờ sau đây:
- Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu của ngân hàng;
- 01 bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- 01 bản sao chứng thực Thẻ căn cước/Chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu còn liệu lực của người đại diện pháp luật;
- 01 bản sao chứng thực của Giấy chứng nhận mẫu dấu.
Bước 3: Ra phòng giao dịch của ngân hàng để thực hiện thủ tục mở tài khoản, nhân viên ngân hàng sẽ tư vấn và hướng dẫn cho bạn chi tiết từng bước phải thực hiện.
Bước 4: Nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, thường là 1 triệu với các tài khoản tiền VNĐ.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
3. Nộp tờ khai và thuế môn bài
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
– Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (sau đây gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
– Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.
Mức thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng hàng năm tùy thuộc vào vốn điều lệ:
Vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp | Lệ phí môn bài | Tiểu mục nộp tiền |
Trên 10 tỷ đồng | 3.000.000 đồng/năm | 2862 |
Từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000 đồng/năm | 2863 |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 1.000.000 đồng/năm | 2864 |
Lưu ý: Đối với những doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng cuối năm (từ 01/07 trở đi) thì chỉ phải nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
– Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
4. Treo biển hiệu tại doanh nghiệp
Doanh nghiệp bắt buộc phải làm biển hiệu công ty trong đó có ghi Tên doanh nghiệp; Mã số thuế; Địa chỉ trụ sở chính; Thông tin liên hệ (SĐT, Email, Fax, Website) và gắn tại trụ sở chính của công ty.
Biển hiệu có thể làm dưới dạng ngang hoặc dọc, với giới hạn kích thước như sau:
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
5. Mua chữ ký số điện tử
Chữ ký số điện tử giúp cho doanh nghiệp dễ dàng kê khai và nộp thuế qua mạng điện tử, tránh lãng phí thời gian và công sức đi lại.
Doanh nghiệp có thể liên hệ với các đơn vị kinh doanh dịch vụ chữ ký số để mua chữ ký số điện tử với giá thành hợp lý.
Link bài viết: https://havip.com.vn/cong-viec-can-lam-sau-khi-thanh-lap-cong-ty-trong-nam-2020
Link trang chủ: https://havip.com.vn/