Thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà người thân có sự khác nhau ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Công dân chuẩn bị các giấy tờ theo yêu cầu và nộp cho cơ quan Công an quận/huyện để tiến hành nhập hộ khẩu.
1. Điều kiện nhập hộ khẩu vào nhà người thân
Theo Luật Cư trú 2006 sửa đổi năm 2013, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ có 06 trường hợp được nhập hộ khẩu vào nhà người thân nếu được chủ hộ đồng ý, bao gồm:
- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
- Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
- Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
- Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Các trường hợp khác không thuộc 06 trường hợp trên đây không được nhập hộ khẩu về nhà người thân. Người có nhu cầu có thể nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải đáp ứng những điều kiện phức tạp hơn như phải có nhà ở hoặc thuê nhà của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú…
Tại các tỉnh (không phải thành phố trực thuộc Trung ương), muốn nhập vào sổ hộ khẩu của người thân thì chỉ cần đảm bảo có chỗ ở hợp pháp (có thể thuê, mượn hay ở nhờ) và được người có sổ hộ khẩu đồng ý.
Tuy nhiên, tại các tỉnh việc đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) đơn giản hơn rất nhiều nên không cần thiết phải nhập hộ khẩu vào nhà người thân mà hoàn toàn có thể tự chuyển thường trú về tỉnh đó (sổ hộ khẩu riêng) nếu đáp ứng điều kiện về chỗ ở hợp pháp.
2. Giấy tờ cần chuẩn bị khi làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà người thân
Các giấy tờ này cần chuẩn bị nếu nhập hộ khẩu vào nhà người thân ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà người thân gồm có giấy tờ sau (Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA):
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; (Tải mẫu tại đây);
- Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân;
- Bản khai nhân khẩu (đối với người trên 14 tuổi);
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ.
Các giấy tờ này nộp tại Công an quận nơi nhập khẩu để đuợc giải quyết.
3. Giấy tờ chứng minh mối quan hệ “người thân”
Để được nhập hộ khẩu vào nhà người thân, cần phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ đó để nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Giấy tờ chứng minh mối quan hệ được quy định cụ thể tại văn bản hướng dẫn Thông tư 35/2014/TT-BCA:
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy đăng ký kết hôn; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột: Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, giấy khai sinh;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh người hết tuổi lao động: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh là người được nghỉ chế độ hưu: Sổ hưu; quyết định nghỉ hưu; xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội; xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trước khi nghỉ hưu;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh về việc công dân nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc: Quyết định hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trước khi nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc;
- Giấy xác nhận khuyết tật đối với người khuyết tật có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất, tinh thần;
- Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên đối với người mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi;
- Sổ hộ khẩu, giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
- Văn bản về việc cử người giám hộ, trừ các trường hợp người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, của người mất năng lực hành vi dân sự;
- Giấy tờ, tài liệu để xác định là người chưa thành niên: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng: Xác nhận của UBND cấp xã;
Ngoài các giấy tờ, tài liệu nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể khi đăng ký thường trú công dân phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ.
- Giấy tờ chứng minh là người độc thân: Xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột: Sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, giấy khai sinh.
Link bài viết: https://havip.com.vn/huong-dan-thu-tuc-nhap-ho-khau-vao-nha-nguoi-than-nam-2020
Link trang chủ: https://havip.com.vn/