Để được bảo hộ giải pháp kỹ thuật do mình sáng tạo, các cá nhân hoặc tổ chức có thể tự mình hoặc nhờ đơn vị Đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành đăng ký độc quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Cơ quan này có thẩm quyền Cấp Giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, bố trí mạch tích hợp bán dẫn nếu các đối tượng này đáp ứng được các tiêu chuẩn về việc bảo hộ.
Thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam khá đơn giản, vậy thì việc bảo đăng ký sáng chế quốc tế khó không? Để trả lời câu hỏi này, HAVIP xin cung cấp thông tin như sau:
1. HAVIP gửi tới Quý khách hàng hai hình thức đăng ký sáng chế
Thứ nhất, nộp đơn trực tiếp tại quốc gia mà Quý Khách Hàng có yêu cầu bảo hộ. Việc nộp đơn theo hình thức này sẽ phụ thuộc vào Luật của từng quốc gia, theo đó thời gian và quy trình nộp đơn sẽ độc lập.
Thứ hai, nộp đơn thông qua Hiệp ước sáng chế PCT. Việc nộp đơn theo hình thức này có nhiều ưu điểm. Trong phạm vi bài viết này, HAVIP xin được phân tích một số ưu điểm như sau:
- Được hưởng quyền ưu tiên, quyền được chỉ định vào tất cả các quốc gia là thành viên của Hiệp ước PCT mà không mất thêm chi phí trong 01 đơn quốc tế;
- Đơn quốc tế có ít nhất 12 tháng để người nộp đơn suy nghĩ/thử nghiệm về việc nộp đơn tại quốc gia nào (dựa trên tra cứu và đánh giá bảo hộ từ cơ quan quốc tế), từ đó người nộp đơn sẽ hạn chế được chi phí và thời gian bảo hộ tại quốc gia có khả năng bảo hộ thấp/hoặc ứng dụng thấp;
- Đơn đăng ký được nộp trực tiếp tại cơ quan SHTT trong nước;
- Cơ chế xét duyệt nội dung tại phía quốc gia (được chỉ định) có thể phụ thuộc vào báo cáo tra cứu quốc tế để làm kết quả thẩm định. Do đó, trong pha quốc gia thời gian thẩm định có thể được rút ngắn và khả năng bảo hộ thành công cao hơn.
- Cơ quan quốc tế chủ động gửi các hồ sơ liên quan tới các cơ quan tra cứu quốc tế.
Tham khảo: Đăng ký phát minh sáng chế
2. Tiêu chí chọn sáng chế đăng ký bảo hộ sáng chế tại nước ngoài và một số lưu ý
Đối với nhà sáng chế, với một công trình nghiên cứu một giải pháp mang tính kỹ thuật đến khi ứng dụng giải pháp đó trên thực tế phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc trong khi tuổi thọ của một sáng chế được bảo hộ lại chỉ kéo dài tối đa là 20 năm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của Khoa học công nghệ, hàng loạt các công trình nghiên cứu của tác giả vừa công bố đã bị sao chép, vi phạm nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà còn ở quốc tế. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, việc đăng ký và được cấp bằng độc quyền là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.
Khi lựa chọn một giải pháp kỹ thuật để tiến hành đăng ký sáng chế, đòi hỏi giải pháp đó phải có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Tuy nhiên, khi đăng ký sáng chế tại nước ngoài thì ngoài những điều kiện trên, giải pháp kỹ thuật còn có những lưu ý như sau:
a. Đơn đăng ký theo hình thức nộp đơn trực tiếp
- Đã nộp đơn đăng ký tại Việt Nam;
- Đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Tham khảo: Hướng dẫn tra cứu sáng chế Việt Nam
b. Đơn đăng ký theo hình thức thông qua hệ thống PCT
- Đã đăng ký tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nộp đơn (Khuyến nghị: Lựa chọn đơn đã được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức để đảm bảo tình trạng pháp lý duy trì ngày ưu tiên);
- Khi nộp đơn thông qua hệ thống PCT, nếu muốn được hưởng quyền ưu tiên theo ngày nộp đơn đầu tiên tại quốc gia gốc thì sáng chế nộp đơn phải giống hoàn toàn với sáng chế đã đăng ký quốc gia.
- Khi tiến hành chỉ định tại quốc gia phải nộp bản mô tả theo ngôn ngữ của quốc gia đó => Cần xác định quốc gia muốn chỉ định để chuẩn bị hồ sơ ngay từ ban đầu.
c. Hai hình thức nộp đơn trên cần lưu ý
- Trường hợp, sáng chế được được công bố ở một hội nghị khoa học hay đăng báo vào thời điểm sau ngày nộp đơn đầu tiên (tại Việt Nam) hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng đăng ký.
- Trường hợp đơn đã công bố phải đáp ứng điều kiện tiên quyết: nộp đơn trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố, và:
+ Người công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký;
+ Người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học, trưng bày tại các cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức, hoặc được thừa nhận là chính thức.
- Thực tế, nếu chỉ tiến hành bảo hộ sáng chế tại nước ngoài đối với một số nước (số lượng ít các quốc gia) thì việc đăng ký qua hệ thống trực tiếp của quốc gia đó sẽ tiết kiệm được thời gian. Trường hợp bảo hộ tại nhiều quốc gia cùng lúc, nên lựa chọn hình thức nộp đơn thông qua PCT;
- Cần đánh giá được tiềm năng, tính thương mại của các quốc gia chỉ định, các đơn sáng chế thực sự chất lượng để đảm bảo được khả năng bảo hộ đối với sáng chế. Bởi lẽ, việc được cấp bằng ở nước ngoài đối với chủ đơn Việt Nam vẫn hạn chế với số lượng rất ít.
d. Đối với các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại nước ngoài, muốn quay trở lại bảo hộ tại Việt Nam cần lưu ý
Căn cứ theo quy định về Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài tại điểm a khoản 2 Điều 23b Nghị định 122/2010 : “Sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam Không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ nếu đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài trái với quy định về kiểm soát an ninh sau đây:
- Chỉ được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này”
- Không được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi sáng chế được xác định là sáng chế mật theo pháp luật về bảo hộ bí mật nhà nước và đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền”