Vì nhiều lý do cá nhân, người lao động có nhu cầu nghỉ phép không lương, nhưng không phải người lao động nào cũng hiểu rõ về quyền lợi của mình khi nghỉ không lương.
1. Số ngày nghỉ không lương trong năm
Trong cuộc sống có đôi khi người lao động không thể tránh khỏi có công việc riêng mà xin nghỉ, pháp luật quy định tạo điều kiện để người lao động có thể xin nghỉ để làm việc riêng của họ, trong đó có những ngày nghỉ vẫn được hưởng lương và ngoài ra còn có thể xin nghỉ không lương. Cụ thể Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về chế độ nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
– Những trường hợp xin nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương bao gồm:
- Được nghỉ việc có hưởng lương 03 ngày khi người lao động kết hôn;
- Được nghỉ việc có hưởng lương 01 ngày khi con của người lao động kết hôn;
- Được nghỉ việc có hưởng lương 03 ngày trong trường hợp có người thân trong nhà là vợ, chồng; cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ; cha, mẹ chồng qua đời.
– Trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng nhưng không được hưởng lương bao gồm:
- Nghỉ việc 01 ngày không hưởng lương khi trong nhà có người thân là ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội, anh, chị, em, ruột qua đời; hoặc khi bố hoặc mẹ kết hôn, anh, chị, em ruột kết hôn. Trước khi nghỉ người lao động phải thực hiện thông báo đến người sử dụng lao động được biết.
- Trong trường hợp vì những lý do khác thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, pháp luật hiện hành không giới hạn số ngày nghỉ không lương trong năm. Mỗi năm người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ không lương phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.
2. Quyền lợi của người lao động trong thời gian nghỉ không lương
a. Về quyền lợi bảo hiểm xã hội
Bên cạnh băn khoăn về số ngày nghỉ không lương trong năm thì việc nghỉ không lương có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không cũng là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm.
Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và Quyết định 959/QĐ-BHXH, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Công văn 1904/BHXH-CĐ của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 9 vừa qua, trường hợp người lao động vừa có ngày nghỉ không lương trên 14 ngày làm việc, vừa có thời gian nghỉ ốm đau và tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, nếu người lao động nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc/tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội và thời gian nghỉ không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp người lao động nghỉ dưới 14 ngày thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội theo mức quy định.
b. Về quyền lợi khi nghỉ không lương trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết
Trong trường hợp người lao động xin nghỉ không hưởng lương mà thời gian này lại trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì quyền lợi của người lao động vẫn sẽ được giải quyết. Do ngày nghỉ lễ, nghỉ tết ngay từ đầu đã được coi là ngày nghỉ làm và được hưởng nguyên lương của người lao động. Những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết này bao gồm:
- Tết Dương lịch (ngày 01 tháng Một hàng năm): 01 ngày
- Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch): 05 ngày.
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10 Tháng Ba âm lịch hàng năm): 01 ngày.
- Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (ngày 30 tháng Tư dương lịch hàng năm): 01 ngày.
- Ngày Quốc tế Lao động (ngày mùng 01 tháng Năm dương lịch hàng năm): 01 ngày.
- Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( ngày mùng 02 tháng Chín dương lịch hàng năm): 01 ngày.
Trong trường hợp lao động là người nước ngoài đang lao động ở Việt Nam thì ngoài những ngày lễ trên người lao động này còn được nghỉ thêm 01 ngày vào ngày Tết cổ truyền và 01 ngày vào ngày Quốc khánh của quốc gia họ.
Như vậy cho dù người lao động xin nghỉ không hưởng lương thì trong những ngày lễ, tết kể trên người lao động vẫn được hưởng nguyên lương, vì đây đương nhiên là ngày được nghỉ làm mà vẫn có lương của họ. Mức tiền lương sẽ là tiền lương của người lao động trong hợp đồng, chia cho số ngày làm việc trong tháng, nhân với số ngày người lao động được nghỉ lễ, tết.
Link bài viết: https://havip.com.vn/nguoi-lao-dong-nghi-khong-luong-toi-da-bao-nhieu-ngay
Link trang chủ: https://havip.com.vn/