Ngày 13/12/2019, Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ Ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam thay thế Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011.
1. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
Theo đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam gồm Lời nói đầu, 06 Chương và 32 Quy tắc, cụ thể như sau:
– Quy tắc 1: Sứ mệnh của luật sư.
– Quy tắc 2: Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
– Quy tắc 3: Giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư.
– Quy tắc 4: Tham gia hoạt động cộng đồng.
– Quy tắc 5: Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
– Quy tắc 6: Tôn trọng khách hàng.
– Quy tắc 7: Giữ bí mật thông tin.
– Quy tắc 8: Thù lao.
– Quy tắc 9: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ khách hàng.
– Quy tắc 10: Tiếp nhận vụ việc của khách hàng.
– Quy tắc 11: Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng.
– Quy tắc 12: Thực hiện vụ việc của khách hàng.
– Quy tắc 13: Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.
– Quy tắc 14: Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý.
– Quy tắc 15: Xung đột về lợi ích.
– Quy tắc 16: Thông báo kết quả thực hiện vụ việc.
– Quy tắc 17: Tình đồng nghiệp của luật sư.
– Quy tắc 18: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp.
– Quy tắc 19: Cạnh tranh nghề nghiệp.
– Quy tắc 20: Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp.
– Quy tắc 21: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp.
– Quy tắc 22: Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư.
– Quy tắc 23: Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.
– Quy tắc 24: Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư.
– Quy tắc 25: Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
– Quy tắc 26: Quy tắc chung khi tham gia tố tụng.
– Quy tắc 27: Ứng xử tại phiên tòa.
– Quy tắc 28: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
– Quy tắc 29: Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác.
– Quy tắc 30: Ứng xử trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác.
– Quy tắc 31: Thông tin, truyền thông.
– Quy tắc 32: Quảng cáo.
Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có nội dung nổi bật
Trong đó, bố cục của Bộ Quy tắc mới vẫn gồm Lời nói đầu và 06 chương. Tuy nhiên, số Quy tắc đã tăng từ 27 Quy tắc lên 32 Quy tắc với một số nội dung nổi bật như:
– Luật sư nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và khi kết thúc dịch vụ đó; có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ được biết;
– Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao; phương thức tính thù lao; thông báo rõ mức thù lao và các chi phí khác trong hợp đồng;
– Luật sư không được cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng chuyên môn và trình độ của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng;
– Luật sư không được lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng;
– Luật sư không để kết quả thắng – thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của luật sư;
– Luật sư không được môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng…
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/12/2019.
3. Nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng
Luật sư là một nghề cao quý, thực hiện các công việc nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật để bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong quá trình hàng nghề luật sư, Luật sư phải tuân theo những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và các quy định pháp luật tại Luật luật sư, mỗi luật sư phải lấy Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp này làm khuôn mẫu cho sự tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.Trong quan hệ với khách hàng, để đảm bảo thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng an toàn, hiệu quả đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư, Luật sư phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam, Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012:
Quy tắc 3: Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng theo quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Quy tắc 8. Thù lao
Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải tư vấn cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Quy tắc 10. Thực hiện vụ việc của khách hàng
10.1. Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết;
10.2. Trong khi thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề luật sư;
10.3. Luật sư không từ chối vụ việc đã nhận, trừ trường hợp bất khả kháng, hoặc pháp luật hay Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư cho phép hoặc được khách hàng đồng ý;
10.4. Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ký nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình; hoàn trả tài liệu, hồ sơ khi khách hàng yêu cầu hoặc khi đã giải quyết xong vụ việc và có thỏa thuận về việc trả lại, trừ trường hợp khách hàng chưa thanh toán hết thù lao, chi phí và việc giữ lại tài liệu, hồ sơ phù hợp với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin
Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012:
Điều 25. Bí mật thông tin
1. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.
Ngoài ra, quan hệ giữa luật sư và khách hàng thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý là quan hệ dân sự nên trong quá trình thực hiện dịch vụ, Luật sư phải tuân thủ các nghĩa vụ do Bộ luật dân sự 2015 quy định và Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Link bài viết: https://havip.com.vn/quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam
Link trang chủ: https://havip.com.vn/