Mẫu tờ khai xác nhận tình trạng hôn nhân được ban hành kèm theo Công văn số 1288/HTQTCT-HT của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực điều chỉnh một số biểu mẫu hộ tịch ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP. Biểu mẫu văn bản quy định của Nhà nước về giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân được mọi người sử dụng nhiều nhất hiện nay. Mời các bạn tham khảo mẫu tờ khai xác nhận tình trạng hôn nhân và sử dụng khi cần thiết.
1. Mẫu tờ khai xác nhận tình trang hôn nhân mới nhất hiện nay
Mẫu tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân các bạn có thể xem qua đây nhé:
Bạn có thể tải mẫu tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mới nhất tại đây:
2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là gì? Ý nghĩa của nó thế nào?
Xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiểu là việc một cá nhân cam kết về tình trạng hôn nhân của mình: độc thân, đã ly hôn, đã kết hôn… khi muốn thực hiện một giao dịch hoặc một thủ tục nào đó như: Đăng ký kết hôn, thế chấp vay vốn ngân hàng…
Trong những trường hợp phải xác định quan hệ nhân thân, khi muốn xác nhận nghĩa vụ liên đới giữa vợ, chồng trong giao dịch… thì để thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là rất cần thiết.
a. Giá trị của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2015 NĐ-CP, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
Giấy này được sử dụng tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, của nước ngoài để kết hôn hoặc sử dụng vào mục đích khác. Theo đó, nếu mục đích sử dụng khác với mục đích ghi trong Giấy thì Giấy này không có giá trị.
b. Ví dụ chi tiết cách điền tờ khai xác nhận tình trạng hôn nhân
- Hướng dẫn cách ghi biểu mẫu:
Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn cụ thể cách viết và những lưu ý khi khai Tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cụ thể bao gồm:
1. Mục “kính gửi”:
Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc về UBND cấp xã. Theo đó, mục kính gửi ghi là UBND xã, phường, thị trấn.
Ví dụ: UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
2. Mục “Nơi cư trú”
Ghi theo địa chỉ cư trú hiện nay của người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
– Với công dân Việt Nam đang cư trú trong nước:
+ Ghi theo nơi đăng ký thường trú, nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú;
+ Không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
– Với công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài thì ghi theo địa chỉ thường trú hoặc tạm trú ở nước ngoài.
3. Mục “giấy tờ tùy thân”:
Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế
Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2004
4. Mục “Trong thời gian cư trú tại”
Khai trong các trường hợp:
– Người yêu cầu đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian đăng ký thường trú trước đây.
– Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài hoặc trong thời gian cư trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh;
– Người đang có vợ/chồng yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân từ thời điểm đủ tuổi đăng ký kết hôn cho đến trước thời điểm đăng ký kết hôn;
– Người đã qua nhiều nơi thường trú khác nhau thì phải ghi cụ thể từng thời điểm thường trú.
5. Mục “Tình trạng hôn nhân”
Phải ghi chính xác về tình trạng hôn nhân hiện tại của người đó.
– Đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước:
+ Nếu chưa bao giờ kết hôn thì ghi “Chưa đăng ký kết hôn với ai”.
+ Nếu đang có vợ/chồng thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông… theo Giấy chứng nhận kết hôn số…, do… cấp ngày… tháng… năm…”.
+ Nếu có đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn và chưa kết hôn mới thì ghi “Có đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án/Quyết định ly hôn số… ngày… tháng… năm… của Tòa án nhân dân…; hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”.
+ Nếu có đăng ký kết hôn, nhưng vợ/chồng đã chết và chưa kết hôn mới thì ghi “Có đăng ký kết hôn, nhưng vợ/chồng đã chết theo Giấy chứng tử/Trích lục khai tử/Bản án số:… do… cấp ngày… tháng… năm…; hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”.
+ Nếu là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông…”.
– Đối với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh, thì khai về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian đã cư trú tại nơi đó.
Ví dụ: trong thời gian cư trú tại …………………………………….., từ ngày…… tháng ….. năm ……… đến ngày …….. tháng ……. năm …….. chưa đăng ký kết hôn với ai
– Đối với công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài, thì khai về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú tại nước đó
Ví dụ: trong thời gian cư trú tại CHLB Đức từ ngày ……. tháng ….. năm ……. đến ngày …….. tháng ……. năm …….. không đăng ký kết hôn với ai tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức
6. Mục “Mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”.
Ghi rõ mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, không được để trống.
Ví dụ: Làm thủ tục mua bán nhà; bổ túc hồ sơ xin việc; làm thủ tục thừa kế; bổ túc hồ sơ đi du lịch nước ngoài; để kết hôn…
Trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn.
Ví dụ: – Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1992, CMND số 031331332, tại UBND xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
7. Những lưu ý khác cần chú ý
Trong trường hợp, nơi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam trong thời gian cư trú ở nước ngoài là Cơ quan đại diện thì cần lưu ý những điểm sau đây:
-Mục “Nơi cư trú” ghi theo địa chỉ cư trú hiện tại của người yêu cầu;
– Mục “Trong thời gian cư trú tại:… từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng… năm…” ghi theo địa chỉ, thời gian cư trú thực tế tại nước ngoài.
– Mục “Tình trạng hôn nhân” được xác định theo Sổ đăng ký hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử do Cơ quan đại diện quản lý.
- Ví dụ thực tế khi cơ quan cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là Cơ quan đại diện:
Ông Nguyễn Văn A,
Nơi cư trú: Berlin, CHLB Đức.
Trong thời gian cư trú tại: New York, Hoa Kỳ, từ ngày 20 tháng 10 năm 2010 đến ngày 27 tháng 7 năm 2012.
Tình trạng hôn nhân: Không đăng ký kết hôn với ai tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
Trên đây là toàn bộ những hướng dẫn cách viết tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tờ khai kèm những lưu ý quan trọng không thể quên.
3. Hướng dẫn thủ tục xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
Đối tượng giải quyết: Cá nhân.
1. Mục đích, thời hạn sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào việc đăng ký kết hôn hoặc vào các mục đích khác.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 06 tháng kể từ ngày xác nhận.
2. Thẩm quyền giải quyết
2.1. Đối với công dân Việt Nam đang cư trú trong nước, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó.
2.2. Đối với công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
3. Thành phần hồ sơ:
3.1. Giấy tờ phải nộp: Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khai.
3.2. Giấy tờ phải xuất trình: Trích lục bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao Giấy chứng tử (trong trường hợp người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ, có chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết).
3.3. Thời hạn giải quyết: Cấp trong ngày. Trường hợp cần xác minh thì thời gian giải quyết là không quá 05 ngày làm việc.
Thông tin lưu ý
- Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn đều có giá trị chứng minh về tình trạng hôn nhân của bên kết hôn; khi đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ chỉ cần nộp một trong hai loại giấy tờ trên.
- Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải được ghi rõ: đương sự hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại…, hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai); đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì cũng phải ghi rõ điều đó (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại… đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số … ngày… tháng … năm…. của Tòa án nhân dân …, hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai).
- Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.
Link bài viết: https://havip.com.vn/to-khai-cap-giay-xac-nhan-tinh-trang-hon-nhan-moi-nhat-2020
Link trang chủ: https://havip.com.vn/